Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Gia Lai nhân dịp Thủ tướng đến Gia Lai dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ trăn trở trước con số về tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS nơi đây.
Báo cáo với Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra một số khó khăn như, Gia Lai có tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 45% dân số, tỉ lệ hộ nghèo cao. Tình hình sản xuất một số lĩnh vực còn khó khăn. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, dù tỉ lệ hộ nghèo của Gia Lai giảm nhanh, hiện còn trên 10%, nhưng hộ nghèo là đồng bào DTTS còn cao, chiếm đến 86,5%, trong đó có làng nghèo 100%. Do đó, tỉnh cần nhìn thẳng vào sự thật này để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề đồng bào DTTS ở Gia Lai, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến bày tỏ lo lắng về tỉ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn còn cao, có buôn làng nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nhưng chưa được di dời. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn còn nhiều. Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Gia Lai sớm giải quyết những vấn đề trên. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu, phân bổ ngân sách để hỗ trợ đồng bào DTTS có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, rút dần khoảng cách về thu nhập đối với đồng bào người Kinh trên địa bàn.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm tặng quà hai gia đình chính sách, người có công đang sinh sống trên dịa bàn TP. Pleiku.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 quy tụ gần 1.200 nghệ nhân của 4 tỉnh: Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; 19 đoàn cồng chiêng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai cùng đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại Tây Nguyên còn tổng số hơn 10.000 bộ cồng chiêng, trong đó, Gia Lai chiếm hơn một nửa. Lễ hội là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Phát biểu chia sẻ với niềm vui của đồng bào các dân tộc trong không gian cồng chiêng đậm nét văn hóa truyền thống của đại ngàn Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên, cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống; bảo tồn hệ sinh thái và phát huy các giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên.
Thủ tướng đề nghị, chính quyền và toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung truyền giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông, nhà dài và các nghi lễ tín ngưỡng.
Trong không khí lễ hội, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thủ tướng mong muốn Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê-đê, Gia rai, M’nông, Bana, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Để thực hiện tầm nhìn này, các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết chặt chẽ về chiến lược, quy hoạch và ý chí. Tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, mọi người dân đều được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa”, Thủ tướng nói.
ĐẠT THÀNH NHÂN