Vào thôn 7, xã Đăk Tơ Lung, chúng tôi thấy những đám nghệ xanh tốt ngay đầu làng thay cho cây mỳ, bắp trước đây. A Ngun, Thôn trưởng khoe: Đám nghệ của nhà A Hùng đấy! Được dự án giảm nghèo tỉnh hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật, A Hùng cũng như nhiều hộ dân ở đây phát triển cây nghệ vàng. Cây nghệ phù hợp với đất đai ở địa phương, sinh trưởng tốt. Năm ngoái cũng trổng 2 sào nghệ trên thửa đất này, A Hùng thu gần 30 triệu đồng. Chuyển đổi từ cây mỳ, bắp sang nghệ, nhiều hộ dân ở thôn 7 đang có thu nhập khá cao từ cây nghệ.
Để giúp người dân nhân rộng mô hình, A Ngun cho biết, năm nay Dự án giảm nghèo hỗ trợ cho 20 hộ dân thôn 7 trồng 2ha nghệ. Trồng nghệ có giá trị kinh tế cao, người dân rất phấn khởi.
Giảm diện tích mỳ, nhiều hộ dân ở thôn 4 đã phát triển mạnh cây cao su. Cây cao su giúp cho nhiều hộ dân ở đây có thu nhập khá cao. Ông A Boát trồng 2 ha cao su. Mặc dù mới đi vào khai thác từ năm 2016 và cạo theo chế độ D2 (ngày cạo ngày nghỉ), nhưng tính ra hiện nay, bình quân mỗi ngày ông có thu nhập 600 nghìn đồng. Còn ông Nguyễn Đức Tây trồng 5ha cao su, trong đó có 2,5ha cao su đi vào khai thác. Bình quân mỗi ngày, ông Tây có thu nhập từ 700-800 nghìn đồng…
Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, Đảng ủy, UBND xã cùng với các ngành hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả để tạo thế đi lên cho người dân xây dựng nông thôn mới. Từ những mô hình sản xuất có hiệu quả và thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân có ý thức xây dựng NTM.
Không chỉ ý thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, bà con còn có ý thức về đóng góp công sức xây dựng NTM. Điển hình như ông U Đê tự nguyện hiến 125m2 đất làm đường giao thông mà không một đòi hỏi. “Làm đường bê tông nông thôn mới cho làng cũng là cho mình và bà con mình. Không hiến đất, xã lấy đâu đất để bê tông đường làng!”, ông U Đê bộc bạch.
Nhờ xác định đúng hướng và nỗ lực tạo thế đi lên trong xây dựng NTM, từ một xã khó khăn, đến nay, xã Đăk Tơ Lung đạt 13/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí xã đạt được là quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường và an ninh trật tự xã hội.
Đối với các tiêu chí còn lại, ông Nguyễn Văn Thủy cho biết xã đang tập trung chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện để phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt xã NTM. Bộ mặt nông thôn ở xã Đăk Tơ Lung thay đổi, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đây là chỉ dấu cho một nông thôn đạt NTM đang đến gần.
VĂN NHIÊN