Hỗ trợ sinh kế…
Trước đây, với hơn 1000m2 đất sản xuất của gia đình, anh Hoàng Seo Pao ở thôn Ngã Ba, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai chủ yếu trồng ngô. Sản phẩm của gia đình luôn phải đối mặt với câu chuyện “được mùa thì mất giá”. Từ năm 2016, anh Pao và bà con trong thôn được cán bộ Ban Quản lý Dự án giảm nghèo của huyện về tuyên truyền, vận động tham gia trồng cây đương quy với sự hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật từ nguốn vốn WB.
Theo đó, anh Pao và các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 50% từ nguồn vốn WB, còn lại 50% vốn ban đầu các hộ đóng góp được tính bằng ngày công lao động, phân chuồng, trấu hun... Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, qua 2 vụ tính ra, anh Pao thu về hơn 50 triệu đồng, hiệu quả tăng gấp hàng chục lần so với trồng ngô, trồng lúa.
“Nhờ sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật mà bà con trong thôn mới biết đến cây đương quy. Trước đây trồng ngô thu nhập thấp quá. Nhờ cây đương quy mà bây giờ gia đình mình thoát nghèo rồi”, anh Pao tâm sự.
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Là huyện 30a của tỉnh Lào Cai, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc thiếu vốn, kỹ thuật canh tác là một trong những yếu tố khiến cho hiệu quả canh tác của bà con đạt rất thấp. Thời gian qua, với việc triển khai các tiểu dự án trồng trọt, chăn nuôi từ nguồn vốn WB đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Hiện tại, các hộ tham gia đã nắm chắc kỹ thuật, từng bước có thu nhập từ loại cây đương quy. Nhiều gia đình có thu nhập cao từ trồng cây này. Như nhóm hộ anh Tráng A Chảo ở thôn cán Chư Sử, xã Cán Cấu sau khi thu hoạch 1ha đương quy thu về gần 500 triệu đồng. Điều quan trọng là khi triển khai các tiểu dự án, bà con đều tự nguyện và tham gia vào các nhóm đồng sở thích trong việc nuôi con gì, trồng cây gì. Chính vì vậy, tính tự giác của bà con rất cao”, ông Hùng cho hay.
Thay đổi tư duy phát triển nsản xuất
Từ khi triển khai các tiểu dự án sinh kế đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm như: Liên kết sản xuất-tiêu thụ cây đương quy và cây ý dĩ của huyện Si Ma Cai; liên kết trồng dong riềng và nuôi vịt xiêm huyện Bát Xát; liên kết nuôi gà Dabaco ở huyện Văn Bàn... Trong việc hình thành các liên kết này, vai trò của Ban Quản lý dự án cấp tỉnh và huyện được xem như chất xúc tác trong việc tìm kiếm doanh nghiệp đối tác, phổ biến thông tin để các nhóm cùng sở thích tự nguyện tham gia.
Có thể nói, những tác động sâu sắc nhất mà dự án giảm nghèo từ nguồn vốn vay WB mang lại, chính là tạo cơ hội để người nghèo ở vùng cao Lào Cai tự thay đổi chính mình. Sản xuất an toàn thông qua tổ nhóm mang tính tự nguyên và tự quản, tự lập phương án và kế hoạch làm ăn, tự quyết định tham gia liên kết với doanh nghiệp... Truyền thống cần cù, tinh thần tự lực, sáng tạo và hợp tác trong mỗi cộng đồng đã được khơi dậy. Đó chính là hiệu quả lớn nhất, để sau khi dự án kết thúc, dù không còn sự hỗ trợ nữa, người nghèo vẫn có đủ sự tự tin ở khả năng của mình trên con đường thoát nghèo bền vững.
TRỌNG BẢO