Tái định cư cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân, Nhà nước tiến hành đầu tư hoặc cho phép một tổ chức, doanh nghiệp đầu tư dự án nào đó phải lấy đất của người dân và đưa họ sang một nơi ở mới.
Mặc dù, tái định cư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu chung lại về mặt lý thuyết thì việc chuyển đến khu ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khu tái định cư lại đi ngược lại với lý thuyết này.
Ví dụ như, khu tái định cư Nước Vương thuộc xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), được bố trí cho 25 hộ dân nhường đất xây dựng Thủy điện Đăk đrinh vào năm 2013. Sau thời gian ngắn, khu tái định cư này đã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đời sống của người dân nơi đây. Hay như ngay trong số báo này đăng tải Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1 chuẩn bị vận hành được đầu tư trên 1.300 tỷ nhưng người dân trong lòng Dự án lại loay hoay tái định cư. Nói rộng hơn ở bình diện quốc gia, hiện nay 100 vụ khiếu kiện thì tới 95 vụ là khiếu kiện về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng.
Một cộng đồng, một đất nước muốn phát triển thì buộc lòng phải có các dự án lớn với các diện tích đất đủ rộng. Do đó, việc di dời người dân và thành lập các khu tái định cư là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, nhìn ở bề sâu, mục tiêu cuối cùng của việc chuyển đổi này là tạo ra sự phát triển, đem lại sự sung túc giầu có cho các bên có liên quan và sự phát triển chung của đất nước. Bởi thế lợi ích của người dân phải di dời cần phải được ưu tiên hàng đầu. Tránh để người dân có tâm lý lo sợ mỗi khi nghe mình thuộc diện phải di dời đến các khu tái định cư như hiện nay.
KẺ SĨ