Đó là những số liệu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố ngày 30/3 vừa qua. Nhưng đây là mặt bằng chung, còn ở vùng DTTS và miền núi, GQVL cho lao động vẫn còn rất nhiều bất cập.
Bất cập từ khâu đào tạo nghề…Số liệu mới đây của Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lao động ở vùng DTTS hiện vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn nữa, hầu hết lao động DTTS làm nông nghiệp với các nghề rất đơn giản.
Trong điều kiện quỹ đất sản xuất thiếu hụt, ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng đến sản xuất nông nghiệp,… thì tạo cơ hội về việc làm, chuyển đổi sinh kế (gọi chung là GQVL) cho lao động DTTS được xem là giải pháp hữu hiệu. Nhưng giải pháp này hiện vẫn “mắc” bởi chất lượng lao động nông thôn vùng DTTS và miền núi rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu.
Theo kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản được Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2017, khu vực nông thôn (bao gồm cả vùng DTTS và miền núi-Pv) của cả nước hiện có 31,01 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 4,92 triệu người được đào tạo có bằng cấp chứng chỉ nghề từ sơ cấp trở lên (chiếm 15,9%); còn 26,09 triệu lao động khác hoặc chưa qua đào tạo, hoặc đào tạo ngắn hạn nhưng không được cấp chứng chỉ, chiếm 84,1%.
Vậy trong 4,92 triệu lao động nông thôn đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ nghề từ sơ cấp trở lên này, có bao nhiêu lao động có việc làm? Thu nhập của những lao động này như thế nào sau đào tạo, được GQVL?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng đáp án vẫn chỉ là những mẫu số chung chung, như: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 70%; tỷ lệ này trong những năm gần đây đều đạt từ 80% trở lên…
Không nói ở cấp Trung ương mà ngay tại cơ sở, việc nắm hiệu quả của đào tạo nghề, GQVL cho lao động cũng rất mơ hồ. Mới đây (ngày 04/5), phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Đậu Long, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong (Nghệ An) về kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề, GQVL cho lao động DTTS trên địa bàn. Ông Long cho hay, năm 2017, toàn huyện mở được 6 lớp đào tạo nghề sơ cấp (3 tháng) cho gần 200 lao động (nghề chăn nuôi, thú y,...). Nhưng đến thời điểm này, việc các lao động được đào tạo có việc làm hay không thì Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chưa nắm được.
“Nghe báo cáo qua của các địa phương thì đa số không làm nghề đã học, một số học viên thì vào miền Nam làm công nhân”, ông Long cho biết.
Chiếu theo Thông tư 58/2017/TT-BTC ngày 13/06/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS thì số tiền mà huyện Quế Phong được chi để đào tạo nghề năm 2017 không hề nhỏ. Cứ tính tối đa, với mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/người/khóa học; tiền ăn 30 nghìn đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200 nghìn đồng/người/khóa học,… thì kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 200 lao động (chưa tính kinh phí giáo viên, trường lớp, văn phòng phẩm,...) cũng đã xấp xỉ một tỷ đồng.
… đến cho vay GQVL“Đầu vào” (số lượng học viên, kinh phí đào tạo,…) thì rất rõ ràng, nhưng “đầu ra” (việc làm, thu nhập,…) lại lơ mơ là thực trạng chung trong khâu đào tạo nghề cho lao động nông thôn lâu nay. Trong khi đó, chính sách GQVL-một chính sách gắn chặt với đào tạo nghề, cũng đang có nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2016, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, cả nước đã hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105.000 lao động; năm 2017 hỗ trợ tạo việc làm cho 114.186 lao động. Trước đó, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 530 nghìn lao động từ nguồn quỹ này.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 60% các dự án cho vay GQVL làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối tượng vay phần lớn là hộ cá thể; các cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 10% đối tượng cho vay) và nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, từ khi có chính sách GQVL (năm 1992) đến nay, cách thức giải ngân và đối tượng cho vay hầu như không thay đổi. Việc cho vay vốn hiện nay vẫn xét theo những tiêu chuẩn chung chung như không có việc làm, thu nhập thấp… Cách làm này khiến đồng vốn chính sách khó phát huy hiệu quả trong trường hợp lao động không có ý tưởng về sử dụng vốn vay; không được tư vấn, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với khả năng, điều kiện để sinh lời.
Gia đình ông Hứa Văn Hiền là một trong những hộ ở xóm Đồng Niên, xã Đồng Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) được tiếp cận nguồn vốn vay GQVL. Có tiền, đầu tư mua máy gặt đập cho thuê và cải tạo vườn tạp trồng cây. Nhưng máy chỉ sử dụng được trong vài tháng vụ mùa là hết việc, vườn thì nhiều loại cây tạp nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Đến nay, ông vẫn dư nợ 50 triệu đồng chưa biết đến khi nào trả được; đều đặn mỗi tháng, ông phải tìm mọi cách để trả khoản lãi vay hơn 284 nghìn đồng/tháng.
Vậy, có bao nhiêu hộ cá thể như gia đình ông Hiền đang loay hoay sử dụng đồng vốn vay GQVL? Hiện vẫn chưa có một thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn số lượng không hề nhỏ.
Dựa vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội có thể thấy rõ điều này. Tính đến hết tháng 7/2017, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.255 tỷ đồng, chiếm 0,76% dư nợ (trong đó, nợ quá hạn là 642,5 tỷ đồng, nợ khoanh là 612,5 tỷ đồng). Đến hết năm 2017, nợ quá hạn, nợ khoanh của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn chiếm 0,75% tổng dư nợ. Trong đó nợ quá hạn là 0,34% và nợ khoanh là 0,41%.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, chính sách GQVL nói chung (bao gồm đào tạo nghề và GQVL) đang có nhiều bất cập. Để tháo gỡ thì cốt lõi là phải tái cơ cấu lại ở cả khâu đào tạo nghề cũng như giải ngân vốn GQVL. Đào tạo nghề làm thế nào để có việc làm từ nghề đã học; cho vay vốn GQVL làm thế nào để đồng vốn sinh lời? Đây là vấn đề không hề dễ nhưng nhất thiết phải thực hiện để chính sách GQVL đạt hiệu quả.
SỸ HÀO