Kết nối mạng lưới người Việt tài năng
Sinh năm 1980, TS. Trần Việt Hùng - nhà sáng lập Got It là gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp, một trong những Founder Việt hiếm hoi tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Hiện tại, anh cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và là thành viên Hội đồng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh những thành công đó, với tinh thần “cho đi” khi học tập và làm việc tại nước ngoài, Trần Việt Hùng đã sáng lập dự án phi lợi nhuận STEAM for Vietnam. STEAM có nghĩa là Science (Khoa học) – Technology (Công nghệ) - Engineering (Kỹ thuật) - Arts (Nghệ thuật) - Mathematics (Toán học).
Theo anh, “STEAM for Vietnam bắt đầu với ngành khoa học máy tính, bởi tư duy máy tính, hiện đang là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong thế giới mới. Nó là tư duy và các phương pháp giải quyết vấn đề vô cùng lợi hại để trở thành những con người hiệu quả giúp ích cho đất nước bất kể ngành nghề gì trong tương lai”.
Đối tượng STEAM for Vietnam hướng tới là trẻ em Việt Nam. TS. Hùng cho biết: Mọi người có thể thấy trên thế giới, những người làm thay đổi mảng công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk… đều được làm quen với công nghệ và lập trình máy tính từ tuổi lên 10. Ở Thung lũng Silicon, còn rất nhiều những người làm công nghệ rất giỏi và họ đều có mẫu số chung là đều bắt đầu làm quen với máy tính và học lập trình từ lứa tuổi cấp hai.
“Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các em nhỏ Việt Nam được làm quen với công nghệ, lập trình từ sớm”.
TS. Trần Việt Hùng nhìn nhận đây là lĩnh vực mà tình nguyện viên Việt rất giỏi. STEAM for Vietnam hiện đang có hơn 140 tình nguyện viên ở các nơi trên thế giới. Họ là các chuyên gia, kỹ sư máy tính làm việc tại các công ty hàng đầu như Google, Facebook, Amazon, Microsoft…
“Đây là những người mà có nhiều tiền cũng không dễ gì tuyển được. Họ tham gia và làm việc hoàn toàn xuất phát từ cái tâm và ước mơ nâng đỡ thế hệ trẻ ở Việt Nam. Để thu hút họ, cá nhân tôi phải đưa ra một tầm nhìn và một kế hoạch rõ ràng. Ngoài ra mình cũng phải lăn xả để làm ví dụ. Giống như những cục nam châm, khi một người giỏi tham gia sẽ kéo theo nhiều người giỏi khác”.
Sự ra đời của STEAM for Vietnam không những tạo thành một mạng lưới những người Việt tài năng ở nước ngoài kết nối với nhau mà còn tạo ra một phong trào học tập công nghệ, lập trình cho trẻ em Việt Nam.
Mục đích nhân văn của dự án cũng là lý do khiến tất cả các tình nguyện viên đều làm việc chăm chỉ như một công việc toàn thời gian mà không đòi hỏi bất kỳ lợi ích gì. Thậm chí, rất nhiều người còn sẵn sàng bỏ tiền túi ra để dành cho các hoạt động của chương trình.
Truyền cảm hứng cho học sinh
Dự án STEAM for Vietnam được thành lập từ tháng 6/2020 và diễn ra theo hình thức trực tuyến. Học kỳ đầu STEAM for Vietnam có 7.000 học sinh đăng kí. Học kỳ thứ hai đang có 11.000 học sinh đăng ký. Có những buổi một thầy dạy cho 5.000 học sinh tại 34 quốc gia.
Riêng ngành Khoa học Máy tính, theo TS. Trần Việt Hùng, STEAM for Vietnam xây dựng một chương trình dài ba năm: “Nếu các em theo sát và học hành nghiêm túc thì đến cấp ba các em có thể hoàn toàn làm việc như một kỹ sư phần mềm tập sự. Mọi thứ mới đang ở giai đoạn bắt đầu, tuy nhiên dữ liệu thu được cho chúng tôi thấy tất cả hiện đang đi theo kế hoạch đặt ra”.
Mới đây, STEAM for Vietnam đã ký kết hợp tác chiến lược với hệ thống giáo dục Tân Thời Đại để đưa các môn học của STEAM for Vietnam vào trong chương trình học chính thức của hệ thống này.
Sự hợp tác này giúp STEAM for Vietnam có phản hồi trong môi trường lớp học chính thống và thử nghiệm mô hình giáo dục kết hợp trực tuyến và trực tiếp hoàn toàn mới để liên tục cập nhật và hoàn thiện chương trình.
Ngoài việc học, STEAM for Vietnam tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tiếp thêm niềm đam mê cho các em. Từ dự án hợp tác với Tân Thời Đại, TS. Hùng hy vọng sẽ nhân rộng ra các trường khác trong cả nước.
“Ngoài việc sử dụng công nghệ để đo đạc và phân tích những tương tác từ học sinh và phụ huynh học sinh, chúng tôi còn quan sát hành vi của học sinh trong từng buổi học và từng hoạt động của các em trong tất cả các hoạt động.
Hầu hết, các em cho biết các khóa học làm cho học sinh hào hứng, mỗi tiết học diễn ra như xem một tập phim. Nhiều học sinh buồn và không muốn kết thúc buổi học cuối cùng.
Hình ảnh này rất trái ngược với những gì các phụ huynh thường thấy các em thở phào khi một học kỳ kết thúc”.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Cũng theo TS. Trần Việt Hùng, STEAM for Vietnam được thành lập với mục tiêu giải quyết vấn đề mang tính dài hơi. Trẻ em Việt Nam ở độ tuổi lên 10 là thời điểm đẹp nhất để có thể định hướng, thử học để phát hiện ra những đam mê công nghệ, từ đó có phương pháp bồi dưỡng thêm, để đi sâu và xa hơn.
Những thế hệ này trong 15-20 năm nữa sẽ hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhân lực cao cho đất nước, thế hệ công dân toàn cầu, có kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Anh cho rằng: “Chúng ta muốn có một nền kinh tế mạnh dựa trên công nghệ thì cần phải có một lực lượng những người làm công nghệ đông đảo và giỏi. Việc định hướng cũng như đào tạo thế hệ trẻ là một trong những hoạt động quan trọng để có nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao đó”.
STEAM for Vietnam bước đầu tập trung vào các em lứa tuổi cấp hai nhưng tương lai sẽ mở rộng sang các lứa tuổi khác tùy theo khả năng của tổ chức. Do nhu cầu rất lớn, số lượng người phục vụ sẽ tăng lên, các tổ chức như STEAM for Vietnam sẽ không đáp ứng đủ.
Vì vậy, TS. Trần Việt Hùng mong muốn sự chung tay tham gia của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là cách các doanh nghiệp đào tạo nhân lực tương lai cho mình./.