Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sóc Sơn (Hà Nội): Nguyên Trưởng Công an xã dùng bằng thật hay giả?

Thanh An - 15:01, 19/05/2020

Báo Dân tộc và Phát triển nhận được phản ánh của bạn đọc về việc ông Trần Văn Hợp, sinh năm 1977, Đảng ủy viên, nguyên Trưởng Công an xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã dùng bằng tốt nghiệp phổ thông có dấu hiệu giả mạo để tiếp tục học Đại học Luật, học Trung cấp Chính trị và được cử đi học Trung cấp Cảnh sát. Thực hư sự việc này như thế nào?

Các văn bằng chứng chỉ của ông Trần Văn Hợp
Các văn bằng chứng chỉ của ông Trần Văn Hợp

Để xác minh thông tin bạn đọc, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về địa phương làm việc với lãnh đạo UBND xã Trung Giã và ông Trần Văn Hợp. Tại buổi làm việc, ông Ngô Thế Bích, Bí thư Đảng ủy xã Trung Giã cho biết: Ông Trần Văn Hợp, Đảng ủy viên, được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Trung Giã từ năm 2016. Từ khi có công an chính quy được điều động về địa phương, thì ông Hợp được giao giữ chức công an viên. 

“Vừa qua, địa phương cũng nhận được thông tin phản ánh về những sai phạm và bằng cấp của ông Hợp. Lãnh đạo xã đã họp và báo cáo vụ việc lên huyện”, ông Bích thông tin. 

Giải trình về phản ánh của người dân đối với vấn đề bằng cấp của mình, ông Trần Văn Hợp cho biết: Trước đây, ông mới học đến lớp 8, chưa có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở (cấp 2) nên sau này ông đăng ký học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Sóc Sơn (hệ 2 năm 3 lớp). 

Theo ông Hợp, trước khi vào học hệ này, ông được TTGDTX huyện đào tạo mấy tháng để “bù lại” chương trình cuối cấp 2, nhưng không được cấp bằng hoặc giấy chứng nhận. Sau đó, ông tiếp tục học bổ túc Trung học phổ thông (THPT) từ 2008 - 2010. Ngày 15/10/2010, ông được cấp bằng tốt nghiệp THPT số A 00075603, hệ bổ túc, do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga ký.

Tuy nhiên, bằng mắt thường, chúng tôi thấy Bằng tốt nghiệp THPT A 00075603 của ông Hợp có nhiều dấu hiệu bất thường, như: Tem dán chống giả trên bằng không được sắc nét. Đặc biệt là chữ ký của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội in trên tấm bằng nhạt nhạt, màu đen và là chữ ký in Scan chứ không phải chữ ký tươi!?. 

Chúng tôi thắc mắc vấn đề này, ông Hợp cho biết: “Thú thực hôm nay, phóng viên chỉ ra tôi mới để ý các chi tiết đó. Tôi cũng thấy hơi lạ so với các văn bằng khác. Nhưng tấm bằng này, tôi đã đem đi công chứng nhiều lần để tham gia theo học một số trường tiếp theo mà không thấy vấn đề gì”.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2010 đến năm 2012, ông Trần Văn Hợp được cử đi học và tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính (hệ tại chức) tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội. Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học lớp Trưởng Công an xã tại Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I. Đến năm 2019, ông được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát.

Như vậy, quá trình đào tạo và học tập của ông Hợp có một số vấn đề cần phải làm rõ, như: Chưa có bằng cấp 2 có được đăng ký học bổ túc trung học phổ thông? TTGDTX huyện Sóc Sơn có đủ điều kiện đào tạo bổ sung kiến thức cấp 2 đối với trường hợp như ông Hợp? Tem chống giả và chữ ký in trên tấm bằng trung học phổ thông của ông Hợp là thật hay giả? 

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội chỉ đạo xác minh, làm rõ những nội dung phản ánh trên đối với ông Trần Văn Hợp để có kết luận chính thức, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và trả lời kiến nghị của người dân. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.