Nhiều khó khăn
Trong Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ươm tạo khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng” mới đây, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo, Trường Đại học Bách Khoa cho biết, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, các trường đại học rất tích cực khuyến khích sinh viên tham gia.
Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là, các ý tưởng chưa có tính khả thi. Trước hết, cần phải nhận thức, ý tưởng mới hoàn toàn là rất hiếm, bởi hầu hết đều có người đã và đang thực hiện. Hiện nay, có không ít các bạn sinh viên “ảo tưởng” về tính độc tôn của ý tưởng và bảo thủ giữ bản quyền. Thế nhưng, các bạn sinh viên lại rất lúng túng trong việc triển khai trên thực tế.
Việc lúng túng này xuất phát từ thiếu kinh nghiệm. Nhất là các kinh nghiệm làm việc nhóm và khả năng thẩm định tính khả thi. Thêm vào đó, sự kỳ vọng của các bạn sinh viên là rất cao nên cũng nhanh chóng nản chí khi gặp phải những thất bại đầu đời. Theo đó, nhiều người đã từ bỏ, chùn bước.
PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm sáng tạo xã hội và khởi nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một khó khăn nữa mà sinh viên Việt Nam gặp phải là, rất thiếu nguồn nhân lực, vật lực. Việc các bạn sinh viên tự liên kết với nhau khởi nghiệp là rất tốt. Nhưng nhóm đối tượng này lại chưa trải qua thực tế nên số lượng nhiều nhưng chưa đạt chất lượng cần thiết để thành công. Các nguồn lực như, tài chính, mặt bằng cũng là những yếu tố rất thiếu và yếu của sinh viên.
Cần thay đổi tư duy
Để việc khởi nghiệp trong sinh viên đạt kết quả cao, TS Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, trước tiên, sinh viên và phụ huynh học sinh cần thay đổi tư duy. Thực tế, không thể phủ nhận nhiều sinh viên và phụ huynh giữ quan niệm cũ, là tìm kiếm việc làm trong môi trường Nhà nước; chưa thật sự bứt phá trong tư duy làm kinh tế. Trong khi đó, việc khởi nghiệp đòi hỏi một môi trường năng động thử thách rất cao. Trong giai đoạn thế giới phẳng, cách mạng 4.0, sinh viên cần thay đổi tư duy theo hướng hoạt động nghề nghiệp ở nhiều môi trường khác như tư nhân, liên doanh…
Ngay cả phía nhà trường cũng cần có sự thay đổi về định hướng nghề nghiệp. PGS. TS. Đinh Thị Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, trước đây và hiện nay, nhiều giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, ngành Dược là một ngành đòi hỏi quy trình chặt chẽ, tỉ mỉ do liên quan đến tính mạng con người. Điều này là cần thiết, nhưng quan niệm cũ cũng khiến các sinh viên bị bó buộc về định hướng nghề nghiệp.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cả nước có khoảng 230 trường đại học, nhưng mới chỉ có 20 trường có các hoạt động ươm tạo phát triển khởi nghiệp. Do đó thời gian tới, các trường cần đưa chương trình này vào đào tạo và sinh hoạt. Các trường cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình là cầu nối, bệ đỡ cho sinh viên khởi nghiệp. Để làm được điều này, các trường cần kết nối mạng lưới doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực mình đào tạo; đặc biệt là chú trọng tới các cựu sinh viên đã thành công và thành danh. Lực lượng này sẽ góp phần quan trọng “truyền lửa” cho sinh viên. Họ cũng là những người sẵn lòng đào tạo kinh nghiệm, thậm chí tuyển dụng, hợp tác sinh viên khởi nghiệp.
"Hiện nay, Nhà trường đang hướng sinh viên nhiều hơn đến quá trình khởi nghiệp; định hướng cho sinh viên các hoạt động nghề nghiệp sáng tạo hơn, năng động hơn. Ví dụ như, sinh viên có thể bắt đầu tìm hiểu và hướng nghề nghiệp vào kinh doanh các mặt hàng đơn giản như dầu gội đầu, xà phòng thảo dược, nước giải khát tự nhiên có lợi cho sức khỏe…” (PGS. Đinh Thị Thanh Hà)
HIẾU ANH