Theo đó, tại một số địa phương, việc lựa chọn SGK môn tiếng Anh được cân nhắc, đánh giá một cách khá cụ thể và nghiêm túc. Các đóng góp, đề nghị chỉnh sửa về nội dung chuyên môn và hình thức được thực hiện bài bản.
Tại tỉnh Nam Định, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh này cho biết, việc lựa chọn SGK đã được thực hiện nghiêm túc theo Điều 8, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 28/6/2020 của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, tất cả các hồ sơ về quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đã được Sở GD&ĐT niêm phong và lưu trữ theo quy định.
Trong quá trình tổ chức nghiên cứu và lựa chọn, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã nhận được phản ánh của một số thành viên của Hội đồng lựa chọn SGK về một số nội dung trong sách tiếng Anh 1, 2, 6 của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (trong Biên bản nhận xét và Biên bản họp Hội đồng có ghi nhận nội dung này). Tuy nhiên, Hội đồng lựa chọn sách xét thấy những nội dung chưa phù hợp này bản thân giáo viên có thể điều chỉnh được và Sở GD&ĐT cũng đã thông tin cho đại diện của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để chỉnh sửa trước khi in sách chính thức…
Còn theo tổng hợp góp ý cho SGK tiếng Anh i-Learn Smart World lớp 6 của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cũng chỉ ra một số bất cập. Cụ thể, phần tóm tắt nội dung kiến thức và mục tiêu bài dạy chưa chi tiết; Các đề mục của bài không được đánh số thứ tự hoặc ghi phần chi tiết; Có ít nội dung, hình ảnh, hoạt động về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam; Một số nội dung kiến thức khá cao so với đối tượng học sinh lớp 6 ở vùng đặc biệt khó khăn và học sinh ở vùng chưa được tiếp cận nhiều với tiếng Anh; Nội dung một số hoạt động trong sách chưa hướng dẫn và có ngữ cảnh cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho giáo viên trong việc định hướng cách tiếp cận và học sinh trong việc tự học, tự nghiên cứu; Nội dung sách chưa tích hợp được nội dung kiến thức giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; Sách đi kèm các phần mềm, ứng dụng phục vụ giảng dạy chưa phù hợp với nhiều trường chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy bộ môn ngoại ngữ như máy chiếu, máy tính…
Tuy nhiên, tại tỉnh Phú Thọ, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, việc lựa chọn SGK cho học sinh nói chung và SGK môn tiếng Anh nói riêng được thực hiện theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Cho đến nay, trong suốt quá trình thực hiện việc lựa chọn SGK môn tiếng Anh, Sở chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của giáo viên/thành viên hội đồng lựa chọn sách về cuốn sách này…
Như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc, hàng loạt những sai sót đã được các địa phương khác phát hiện trong quá trình lựa chọn SGK nêu trên, thì tại Phú Thọ lại không phát hiện bất cứ lỗi nào? Ở đây, chúng ta không đòi hỏi các thành viên hội đồng lựa chọn sách nhất thiết phải phát hiện ra lỗi gì đó ở những cuốn SGK khi được lựa chọn. Nhưng liệu có điều gì bất thường, so với sự phát hiện ít nhất từ vài ba lỗi cho đến cả gần chục lỗi như các địa phương khác đã nêu ra hay do năng lực của giáo viên tại địa phương này còn hạn chế…?. Phải chăng, những cuốn SGK tiếng Anh nêu trên do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản đã rất “hoàn hảo”, cho nên không có bất cứ lỗi gì trong cuốn SGK này được phát hiện ở Phú Thọ?.
Thêm vào đó, việc tỉnh Phú Thọ chỉ lựa chọn duy nhất bộ SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1, 2 và i-Learn Smart World lớp 6 do Nhà xuất bản NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản liệu có đảm bảo phù hợp đặc điểm của mỗi nhà trường, vùng miền trên địa bàn tỉnh không?.
Bên cạnh những lỗi được phát hiện và phản ánh từ giáo viên, phụ huynh, Sở GD&ĐT một số địa phương,… có ý kiến cho rằng, quy trình lựa chọn SGK cũng bộc lộ một số bất cập cần khắc phục.
Theo chị N.T.T.L., so với SGK lớp 1, điểm mới trong quy trình thẩm định, lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 của các địa phương cho năm học 2021 - 2022 áp dụng theo quy định mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi giáo viên (GV) phải có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Mục đích của việc làm này, theo lãnh đạo Bộ, ngoài đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu GV phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng; lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT điều chỉnh trước khi năm học bắt đầu.
Tuy nhiên, GV chỉ nhận xét, đề xuất, sau nhiều công đoạn, cuối cùng việc quyết định chọn sách nào thuộc về UBND cấp tỉnh.
Trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh tổ chức họp, thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND tỉnh ban hành, bỏ phiếu và lựa chọn được sách cho mỗi môn học. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng riêng, thành viên hội đồng lựa chọn cấp tỉnh được yêu cầu là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn, GV trực tiếp đứng lớp và có đại diện cho từng địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Kết quả lựa chọn của các hội đồng được chuyển giao cho Sở GD&ĐT để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Sách được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Vấn đề chị L., đặt ra ở đây là, các bộ SGK đều đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia. Như vậy, về bản chất các bộ sách đều đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ GD&DT. Vậy, tại sao cần phải có hội đồng chuyên môn cấp tỉnh lựa chọn lại khi các nhà trường đã có sự lựa chọn rồi?. Tại sao UBND lại đưa ra Quyết định lựa chọn 1 hoặc 1 vài bộ sách trong khi các bộ sách đều đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua?.
Kết quả lựa chọn sách của các nhà trường có ý nghĩa gì nếu kết quả bỏ phiếu lựa chọn SGK của hội đồng chuyên môn cấp tỉnh lựa chọn SGK không đồng nhất với đề xuất của GV, các cơ sở giáo dục phổ thông?.
Liệu có là công bằng cho các đơn vị phát hành sách không khi mà sách đã được thẩm định là sách giáo khoa và đáng ra các nhà trường đã lựa chọn rồi nhưng Hội đồng chuyên môn tỉnh lại không lựa chọn?.
Rất lòng vòng khi các trường đã có sự lựa chọn SGK phù hợp với nguyện vọng của GV, phụ huynh học sinh nhưng Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh không lựa chọn thì nhà trường sẽ phải lựa chọn lại.
Tại một số địa phương như Phú Thọ, Yên Bái,… chỉ chọn được 01 bộ SGK tiếng Anh. Điều này vô hình trung đã làm mất đi ý nghĩa của việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhất là nhận thức của học sinh từng nhà trường.
Chị L. đề xuất, thay vì chọn những SGK đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý của hội đồng lựa chọn, các tỉnh, thành phố nên tôn trọng sự lựa chọn sách của các nhà trường vì đó là sự lựa chọn phù hợp với đặc điểm của mỗi nhà trường, khu vực trên địa bàn.