Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sáng ngời người lính cụ Hồ

Thanh Hải - 15:59, 26/08/2021

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh tại Bệnh viện dã chiến số 5 ngày 23/8 (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), rằng: Đây là trận chiến không thắng không về. Lời của Đại tướng Giang cũng là ý chí, quyết tâm, trách nhiệm của đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.

Thượng tướng Vũ Hải San - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng động viên đoàn trước lúc lên đường làm nhiệm vụ chống dịch ở các tỉnh phía Nam
Thượng tướng Vũ Hải San - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng động viên đoàn trước lúc lên đường làm nhiệm vụ chống dịch ở các tỉnh phía Nam

Dõi theo suốt hơn một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tư tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu, hi sinh thực sự là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời lính, là hành trang hành động của mỗi chiến sĩ. Hễ ở đâu có gian khổ, khó khăn ở đó có người lính. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, lực lượng quân đội đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch, với hơn 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, lực lượng quân đội đã phối hợp các địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch, với sự tham gia của hơn 220.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch.

Người lính lên đường nhận nhiệm vụ chống dịch ở các tỉnh phía Nam
Người lính lên đường nhận nhiệm vụ chống dịch ở các tỉnh phía Nam

Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều khu cách ly đã được dựng lên, người lính lại tiếp tục có mặt ở tuyến đầu. Tính đến nay, toàn quân đã triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng một bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thành lập một trung tâm điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 vừa và nặng với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y.

Ngoài phương tiện, máy móc, tư trang, vật dụng, nhu yếu phẩm; cán bộ chiến sĩ toàn quân đã đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19. 

Mới đây, khi tâm dịch phía Nam trở nên căng thẳng, đã có hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ tức tốc lên đường “Nam tiến” để chi viện. Họ xông vào tâm dịch như năm xưa cha ông đã từng xông vào trận địa giặc với tâm thế, quyết tâm: không đánh thắng, không về. Và hôm nay, hình ảnh hàng ngàn người lính cụ Hồ tham gia kiểm soát, chống dịch giữa thành phố mang tên Bác đã mang đến cho người dân cả nước những xúc cảm không thốt nên lời.

Chốt kiểm soát phòng dịch của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình
Chốt kiểm soát phòng dịch của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình

Trên hành trình chống dịch của cả nước, nhiều người đã không khỏi xót xa khi hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bám chốt trên toàn tuyến biên giới giữa giá rét, mưa sa… hàng tháng trời. Chỉ nhìn vào những luống rau xanh mướt, đàn gà lục cục… tăng gia giữa rừng già cũng đã là minh chứng sống động nhất cho quãng thời gian bám chốt, giữ vững trận địa phòng dịch. Thậm chí, cán bộ, chiến sĩ đã phải nhường doanh trại, chỗ nghỉ cho người dân, tận tình chăm sóc dân tại các điểm cách ly, khu vực phong tỏa.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dịch bệnh Covid-19 đang thử thách chính ý chí, quyết tâm, trách nhiệm của người chiến sĩ với Tổ quốc, với Nhân dân. Hơn lúc nào hết, đây là thời khắc mà người lính càng phải khẳng định rõ phẩm chất kiên trung, bất khuất của đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, hi sinh.

Chỉ tính trong cơn bão dịch Covid-19 từ cuối 2019 đến nay, bao nhiêu ngày sống giữa dịch bệnh là bấy nhiêu câu chuyện, hình ảnh cảm động mà các cán bộ, chiến sĩ đã ghi đậm dấu ấn trong lòng mỗi người dân từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên cương tới hải đảo xa xôi…

Những bữa cơm chan mưa rừng trên chốt chống dịch biên cương, những chỗ ở sạch sẽ trong doanh trại đã được nhường cho người dân vùng cách ly, những gian hàng “0 đồng" của người lính, những chiến sĩ là tình nguyện shipper chuyển hàng giữa tâm dịch…

Còn đời tư người lính, họ nào có sá gì. Bao nhiêu chiến sĩ đã chẳng thể về nhà khi người thân giã biệt cõi đời? Bao nhiêu người lính đã bị phơi nhiễm, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19...

Người lính cũng là người bình thường và họ không hề được miễn nhiễm bởi Sars-Cov-2. Giữa thời bình, người lính vẫn phải ngã xuống vì “kẻ thù vô hình” Covid-19 để giữ trọn sự bình yên của Tổ quốc và cuộc sống tươi đẹp của Nhân dân. Chẳng thể kể hết, chẳng thể nói đủ bằng lời. Sự hy sinh ấy thầm lặng mà cao đẹp đến nhường nào.

“Đây là trận chiến không thắng không về” - lời Đại tướng Phan Văn Giang cũng là ý chí quyết tâm của toàn quân. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không phải với “kẻ thù vô hình” Sars-Cov-2 mà với tất cả những kẻ thù nào đi ngược lại lợi ích dân tộc, đụng chạm đến sự an nguy của đồng bào thì khi bước vào trận chiến, mỗi người lính sẽ vẫn hô vang “đây là trận chiến không thắng không về”.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.