Ngày 17/2 (tức ngày mùng 2 Tết), tại làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh (Quảng Trị), Hội đu truyền thống đầu Xuân đã diễn ra, thu hút đông đảo người dân ở địa phương và các làng lân cận đến tham gia tranh tài, theo dõi và cổ vũ.
Cây đu được dân làng chuẩn bị sẵn từ nhiều ngày trước Tết và được làm từ cây tre già. Người chơi được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Theo luật chơi, các cá nhân tham gia nhún đu đầu tiên, sau mới kết hợp các đôi nam nữ hoặc đôi nữ... Người nào đu cao, chạm vào vị trí phần ngọn tre sẽ giành thắng cuộc.
Thành tích của những người đạt giải cao như lời chúc phúc dành cho dân làng. Song song với hội đu truyền thống, người dân làng Nhĩ Trung còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống khác như: kéo co, bịt mắt bắt vịt, chọi gà... suốt từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết Nguyên đán.
Cùng ngày mồng 2 Tết, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra nghi lễ Khai ấn đền thờ Đức Thánh Trần-Xuân Mậu Tuất 2018. Lễ khai ấn diễn ra tôn nghiêm với những hồi chuông khai đầu.
Thầy chủ bái dâng sớ báo cáo những việc đã làm được, chưa làm được trong năm qua, cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ cho dân chúng trong năm mới Mậu Tuất làm được nhiều việc tốt hơn. Thầy chủ bái làm thủ tục “tẩy uế”-tức là gột rửa sạch những điều không may mắn để gặp điều tốt lành trong năm tới.
Tiếp đến, lãnh đạo tỉnh và người dân thắp hương bái Đức Thánh Trần và làm thủ tục khai ấn, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện bản thân, gia đình và người người trong năm mới được phúc lộc, bình an, dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn,…Sau khi vào dâng hương Đức Thánh Trần và xin ấn, nhiều người đã ghé lại xin chữ đầu xuân từ các ông đồ. Những nét chữ thư pháp đẹp đẽ, chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống, góp thêm một nét xuân vui đầu năm mới.
Ngược lên miền đất đỏ ba-zan, không khí mùa Xuân đã diễn ra sôi nổi tại Lễ hội đường phố và trải nghiệm du Xuân giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Xơ-đăng tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trên 60 nghệ nhân là những chàng trai, cô gái Xơ-đăng đến từ làng Kon Ke 1, xã Đăk Long và Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông say xưa giới thiệu những điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình trong sự cổ vũ nhiệt thành của người xem.
Tham gia Lễ hội, du khách hiểu thêm về văn hóa một vùng đất; được hòa mình vào nhịp chiêng, xoang; thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Xơ-đăng, như cơm lam, rượu nghè, gà nướng chấm muối tiêu rừng…
Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Lễ hội đường phố và trải nghiệm du Xuân (mồng 3 Tết), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, đã đón khoảng 5.000 du khách. Trong đó khá đông du khách ở những tỉnh xa như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An… cũng đã du Xuân đến cao nguyên Măng Đen, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của khu vực Tây Nguyên.
Còn tại vùng Tây Bắc, Lễ hội Khèn hoa-không gian văn hóa Tây Bắc lần thứ hai đã diễn ra sôi nổi tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Lào Cai) vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán. Trong không gian đậm đặc hương sắc vùng cao Tây Bắc, lễ hội đem đến cho du khách những trải nghiệm du Xuân độc đáo với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian...
Điểm nhấn trong Lễ hội Khèn hoa năm nay là hội thi múa khèn dân tộc Mông lần thứ 2. Hội thi năm nay có sự tham gia của 7 đội thi, gồm các nghệ nhân đến từ các xã vùng cao Sa Pa và 3 đội khách mời đến từ Mù Căng Chải (Yên Bái), Đồng Văn (Hà Giang) và tỉnh Lai Châu, mang đến cho du khách những giai điệu khèn mùa xuân mê đắm lòng người.
Lễ hội năm nay còn đặc biệt hấp dẫn với những màn võ thuật truyền thống và những trò chơi dân gian như đi cà kheo, leo cột mỡ, đi cầu một dây, bịt mắt bắt dê...
Không khí Lễ hội truyền thống cũng đã diễn ra sôi nổi, rộn ràng tại núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh); Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội); chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội); Đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An)… thu hút hàng ngàn người dân tham gia.
SÔNG LAM ( T/H)