Canh rau nhíp có nhiều cách chế biến, nhưng cách chế biến được nhiều người Mạ ưu thích đó là canh thụt. Canh ống thụt là canh nấu trong ống lồ ô của người đồng bào khi họ đi rừng. Đi rừng không có soong nồi, họ chặt ống lồ ô cho rau nhíp vào nấu canh. Đôi lúc bắt được con cá suối thả vào ống lồ ô nấu chung, canh thêm chất, thêm ngon, ngọt.
Lúc nấu canh phải chú ý xoay đều ống lồ ô, để nghiêng nghiêng, đến khi nước sôi chỉ cần thọc cây vào dầm nát và tiếp tục nấu cho đến khi chín. Canh chín cho thêm lá é, muối ớt, canh chín sẽ sền sệt hương của lá, quả, củ quyện vào nhau thơm ngát rất khó tả. Canh ống thụt ngọt vị rừng, thơm mùi rừng, ăn vô không chỉ ấm cái bụng mà còn khỏe cái chân, tinh đôi mắt.
Rau nhíp còn được người Mạ chế biến thành món canh bồi rất ngon. Để làm canh bồi, người ta giã gạo với lá nhào (một loại lá rừng giúp canh thêm ngọt), lá nhíp rửa sạch thái nhỏ, sau đó cùng cho vào nồi nấu. Nồi canh bồi sóng sánh thơm ngon rất độc đáo.
Người ta nghiên cứu được rằng trong lá rau nhíp có nhiều chất tham gia xây dựng Protein nhằm đảm bảo các chức năng xúc tác, miễn dịch, vận chuyển… cho các hoạt động sống hàng ngày của cơ thể.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cũng cho biết hàm lượng các chất khoáng trong lá rau này khá cao, trong đó K, Fe, Cu, Zn, Mo, Mg và Mn cao hơn nhiều so với xà lách, bông cải trắng… Không chỉ ngon, đủ calo, an toàn, lá nhíp còn chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe. Chất chiết xuất trong lá cây nhíp có chứa các chất kháng sinh có ích cho cơ thể.
TK