Sau nhiều năm, qua sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 75%. Tuy nhiên, với tỷ lệ này, Tây Trà vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi và là một trong số huyện nghèo nhất cả nước.
Chương trình “Giúp 1 hộ giảm nghèo”Huyện Tây Trà xác định, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chung, tất cả các cơ quan đơn vị và cán bộ, đảng viên cùng có trách nhiệm tham gia thực hiện. Huyện đã đặt ra mục tiêu mỗi năm phải giúp đỡ ít nhất cho 36 hộ nghèo của 36 thôn thoát nghèo thông qua sự hỗ trợ về phương pháp làm ăn, phương tiện làm kinh tế, con giống, cây trồng...
Theo đó, bắt đầu từ tháng 6 năm 2017, các cơ quan, đơn vị ở Tây Trà đã về 36 thôn khó khăn của huyện để chọn hộ nghèo giúp đỡ, với tên gọi “giúp 1 hộ giảm nghèo”. Cách làm này bước đầu đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân. Phấn đấu, đến năm 2020, toàn huyện dự kiến sẽ có 146 hộ thoát nghèo bền vững.
Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh, cho biết: Đây là năm đầu tiên huyện triển khai thực hiện mô hình này và sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm vào cuối năm nay theo từng nhóm. Nếu nhóm nào có cách làm hiệu quả nhất, giảm nghèo nhanh và bền vững nhất, sẽ nhân rộng cho các nhóm khác làm theo. Việc giao mỗi cơ quan, đơn vị phụ trách “giảm 1 hộ nghèo” được Ban Thường vụ huyện ủy lựa chọn là cách làm phù hợp với đặc thù của huyện.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể duy trì các phong trào như “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo nhanh và bền vững” của Hội LHPN huyện; “Nuôi heo đất tiết kiệm” của cán bộ, công chức Huyện ủy Tây Trà; “Nồi cháo tình thương, ấm lòng bệnh nhân nghèo” của Ban CHQS huyện...
Thay đổi tập quán sản xuấtĐể giúp người dân tiếp cận với phương thức làm ăn mới, từng bước vươn lên thoát nghèo, mỗi năm huyện Tây Trà dành nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng từ các chương trình, dự án phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững để xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân. Ngoài mô hình nuôi cá lồng bè, trồng ổi, bước đầu mang lại thành công, huyện đang tập trung đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương như: Trồng cây chè, lồ ô, trồng măng, mít, gừng, cây dược liệu và trồng dứa.
Đơn cử như gia đình ông Hồ Văn Phú ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Tây Trà) được hỗ trợ 100 cây ổi giống để trồng trên diện tích gần 1ha đất vườn đồi. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và sự chăm chỉ lao động, đến nay vườn ổi của ông Phú phát triển tốt. “Cứ 3 ngày là có người mua đến hái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 30kg, mỗi tuần gia đình tôi có nguồn thu trên một triệu đồng”, ông Phú phấn khởi.
Được biết, để giảm nghèo bền vững, tới đây huyện sẽ quy hoạch lại các vùng sản xuất, định hướng cho người dân sản xuất từng loại cây, con theo lợi thế của từng vùng. Đồng thời, xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ, những nội dung cần có sự đối ứng của nhân dân để cùng với Nhà nước thực hiện sản xuất, tạo nhiều sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo.
Ông Phạm Xuân Vinh, cho biết thêm: Định hướng của huyện trong thời gian tới, là tập trung chú trọng đến việc thay đổi nhận thức cho người dân thông qua các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định, với quan điểm là phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
LÊ PHƯƠNG