Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ninh với lộ trình triển khai Chương trình MTQG: Bảo đảm an sinh, giảm nghèo bền vững (Bài cuối)

Trình Hiệp - 10:53, 14/12/2021

Cụ thể hóa các dự án thuộc Chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch tập trung vào các chính sách bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững tại vùng khó khăn. Trong đó, trọng tâm là chăm sóc y tế, nâng cao hạ tầng y tế và dinh dưỡng, thể chất cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) và bảo tồn văn hóa dân tộc...

Đảm bảo phúc lợi xã hội đã được đặt ra trong triển khai Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Ninh
Đảm bảo phúc lợi xã hội đã được đặt ra trong triển khai Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Ninh

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân 

Để triển khai tốt Chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn tập trung vào các lĩnh y tế và văn hóa dân tộc. Về lĩnh vực y tế, tỉnh tập trung chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh cho người nghèo vùng ĐBKK đến hến ngày 31/12/2025. Thu hút đội ngũ y, bác sĩ về vùng khó, bảo đảm các trạm y tế đều có bác sĩ...

Cũng theo kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình quân dân y kết hợp, khám chữa bệnh lưu động nhằm chăm sóc tốt sức khỏe người dân vùng DTTS. Đồng thời, phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại. Đầu tư hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, người DTTS, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ lệ tử vong trẻ em.

Khi được biết về những nội dung Chương trình MTQG triển khai trong thời gian tới, chị Chíu Sám Múi, dân tộc Dao, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu vui mừng chia sẻ: “Nếu được thế thì bà con mừng lắm. Lâu nay, bà con có bệnh, cũng hay nhờ thầy cúng hoặc đến trạm xá xin thuốc, nặng quá mới xuống bệnh viện huyện để chữa. Nhưng nếu tới đây xã có bác sĩ, thì chúng tôi yên tâm lắm, đã thế còn được quan tâm đến bà mẹ, trẻ em. Hy vọng sẽ cải thiện tầm vóc cho thế hệ con em người Dao chúng tôi”.

Ưu tiên bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Chất lượng y tế đang được hứa hẹn nâng cao, cải thiện đáng kể từ nguồn vốn Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, thể thao vùng khó cũng theo đó được chú trọng, đầu tư. Trên tinh thần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tổng kiểm kê, rà soát di sản văn hóa phi vật thể các DTTS để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phục dựng, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS.

TP. Móng Cái và Ban Dân tộc tỉnh đang thực hiện xây dựng Làng DTTS Pò Hèn là trở thành “bảo tàng sống” tái hiện sinh động đời sống đồng bào dân tộc Dao địa phương và là “cột mốc” văn hóa nơi vùng biên. (Trong ảnh: Thanh niên thôn Pò Hèn tranh tài môn thể thao dân gian đẩy gậy, trong Ngày hội Văn hóa thể thao)
TP. Móng Cái và Ban Dân tộc tỉnh đang thực hiện xây dựng Làng DTTS Pò Hèn trở thành “bảo tàng sống”, tái hiện sinh động đời sống đồng bào dân tộc Dao địa phương. (Trong ảnh: Thanh niên thôn Pò Hèn tranh tài môn thể thao dân gian đẩy gậy, trong Ngày hội Văn hóa thể thao)

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chương trình MTQG sẽ xây dựng, khôi phục bảo tồn 4 Làng DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cụ thể: Đến hết năm 2022, thành lập 3 Làng DTTS (làng người Tày ở Bản Cáu xã Lục Hồn huyện Bình Liêu; làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn xã Hải Sơn TP. Móng Cái; làng người Sán Dìu xã Bình Dân huyện Vân Đồn); đến hết năm 2023, thành lập thêm 1 Làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh và yêu cầu thực tiễn, các địa phương cấp huyện đề xuất xây dựng Làng văn hóa dân tộc điển hình của địa phương mình bảo đảm thiết thực, phù hợp.

Để các làng văn hóa dân tộc đi vào hoạt động bài bản, quy củ, hiện tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS. 

Hỗ trợ nghệ nhân dân gian trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Ưu tiên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS cơ bản đáp ứng được về trình độ, năng lực triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người dân đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Ninh đã được xây dựng bài bản, phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Chương trình MTQG mang ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng làm đổi thay toàn diện vùng khó, giúp người dân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mở ra định hướng phát triển toàn diện đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.