Việc xây dựng Đề án này là việc làm cần thiết, đúng quy hoạch, nhằm khơi dậy tiềm năng, bản sắc văn hóa, phát huy tài sản văn hóa đặc trưng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch đang từng bước khởi sắc trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Đề án gồm 4 phần: Đặt vấn đề; Thực trạng di sản văn hóa tộc người Tày huyện Bình Liêu và thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; tổng hợp các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư dự tính hiệu quả và Tổ chức thực hiện đề án.
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào Đề án, các đại biểu đã phân tích ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Đề án. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, trong đó cần: Xem xét lại tên Đề án; bổ sung rõ hơn lịch sử hình thành và phát triển thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; đánh giá rõ hơn các mặt thuận lợi, khó khăn tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn.
Đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần cụ thể hơn, trong đó, phải có vai trò chủ thể của người dân; nhiệm vụ dân vận trong phát huy giá trị văn hóa để làm du lịch; chính sách khai thác các hạng mục Đề án đưa ra; làm phong phú các hoạt động diễn xướng; nghiên cứu lợi ích của người dân; giá trị riêng biệt của người Tày Bình Liêu; khôi phục kiến trúc nhà ở của người Tày khác biệt với các dân tộc khác; văn hóa ẩm thực; chính sách đồng hành giữa doanh nghiệp và người dân; bổ sung nghiên cứu làm rõ thực trạng du lịch cộng đồng ở Bình Liêu và Bản Cáu…
Trong quá trình hoàn thiện các giải pháp cần lấy giá trị khác biệt từng dân tộc để bảo tồn, trong đó, làm rõ sự khác biệt về kiến trúc nhà ở, ẩm thực của dân tộc Tày với các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch…