Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Người dân bất lực nhìn đất bị “nuốt dần”

PV - 15:05, 18/09/2018

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó có 5 điểm đặc biệt nguy hiểm; tốc độ sạt lở trung bình 5m/năm. Các sông, suối lớn trên địa bàn cũng đang có 152 điểm bị sạt lở, trong đó 105 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đáng lo ngại, tốc độ sạt lở đang ngày càng tăng, nhưng các công trình chống sạt lở lại đang được triển khai xây dựng rất chậm.

Quảng Ngãi Sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng nhưng các công trình chống sạt lở lại triển khai rất chậm.

Khổ như dân ven biển

Cứ mỗi mùa mưa bão đi qua, bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lại bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa tính mạng và tài sản người dân; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đơn cử như, tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, người dân luôn thấp thỏm âu lo vì sóng biển ngày càng gần làng hơn. Ông Phan Văn Tróc, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh cho biết: Tuyến bờ kè được đầu tư xây dựng vào những năm 2000, với tổng chiều dài hơn 1.300m. Nhờ tuyến kè này mà đất đai, vườn tược của bà con được bảo vệ, nhưng nay đã bị hư hỏng nặng.

“Năm 2016, chỉ có 300m kè bị hư hỏng, giờ đã có khoảng 700m. Tuyến đường bê tông dọc kè cũng bị sóng biển làm cho rỗng ruột. Nếu không có phương pháp khắc phục khẩn cấp, toàn bộ tuyến kè sẽ biến mất trong nay mai; nhà cửa, ruộng vườn của người dân cũng sẽ bị biển cuốn trôi”, ông Tróc lo lắng nói.

Còn người dân thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) cũng rất khổ sở khi bờ biển bị sạt lở chỉ còn cách khu dân cư 50m và có hiện tượng ngày càng “ngoạm” sâu vào đất liền.

Theo ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, mùa mưa lũ năm 2017, do thay đổi dòng chảy, khu vực Cửa Đại giữa xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê đã xảy ra sạt lở bờ biển, với chiều dài 300m, lấn sâu vào đất liền hơn 200m. Hậu quả là 4 nhà dân bị cuốn trôi ra biển, 3ha rừng phòng hộ và 20m đường cống thoát nước tuyến đường bờ đông sông Kinh đi Cửa Đại bị xói lở, cuốn trôi.

“Biển cứ lở, mùa mưa thì đang diễn ra, khí hậu biến đổi với nhiều diễn biến bất thường. Chính quyền địa phương và người dân rất mong Nhà nước quan tâm, sớm xây dựng kè chắn sóng để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất”, ông Thảo kiến nghị.

Nhiều công trình  đợi... vốn!

Trước những mối nguy hiểm của người dân, thời gian qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện các biện pháp sửa chữa, nhưng vì nguồn vốn hạn hẹp, nên các điểm sạt lở chưa được xử lý dứt điểm, hầu hết chỉ gia cố tạm thời. Cụ thể như, kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, sau khi xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng vào năm 2016, UBND huyện Đức Phổ đã trích ngân sách 500 triệu đồng để gia cố một số điểm hư hỏng nặng bằng đá tảng. Theo ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải đầu tư kiên cố một số đoạn trên tuyến kè mới đảm bảo an toàn cho 160 hộ dân và các công trình lân cận. Tuy nhiên, ngân sách địa phương không thể đáp ứng, nên huyện đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khẩn cấp để khắc phục.

Bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), dù là vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhưng do kinh phí có hạn, nên tỉnh mới chỉ đầu tư xây dựng đoạn kè dài khoảng 200m. Còn vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở thôn Phước Thiện (Bình Hải), thì đến nay, sau gần mười năm kể từ ngày hàng chục ngôi nhà ở Phước Thiện bị triều cường đánh sập, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với sạt lở, vì chưa được xây dựng kè.

Trong khi đó, Dự án đê Phổ Minh (Đức Phổ) có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) 80 tỷ đồng, có nhiệm vụ phòng tránh những bất lợi từ biển, đảm bảo an toàn cho người dân xã Phổ Minh và các vùng lân cận. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2016, nhưng đến thời điểm này, ngân sách chỉ bố trí gần 30 tỷ đồng.

Trước tình trạng thiếu vốn để đầu tư cho các công trình chống sạt lở, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông.

Ông Từ Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi thông tin: Trước mắt, tỉnh hỗ trợ 570 tỷ đồng, để đầu tư, xử lý, khắc phục các điểm sạt lở, bồi lấp đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

“Bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị ưu tiên bố trí phương tiện và nguồn lực thi công, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão 2018, chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm, bố trí nguồn vốn kịp thời, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng”, ông Tám đề nghị.

Biển cứ lở, mùa mưa thì đang diễn ra, khí hậu biến đổi với nhiều diễn biến bất thường. Chính quyền địa phương và người dân rất mong Nhà nước quan tâm, sớm xây dựng kè chắn sóng để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất. (Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê)

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.