Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Nam tạo "bứt phá" về giảm nghèo: Tăng cường đầu tư công trình dân sinh, sinh kế ở vùng cao (Bài 1)

T.Nhân - H.Trường - 17:55, 13/05/2025

Trong những năm qua, Quảng Nam đã tăng cường phát huy các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp cho đời sống người dân vùng cao ngày càng khởi sắc. Đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội ở nhiều huyện, xã vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiệu quả từ cơ sở

Phước Sơn là một trong những huyện nghèo ở vùng cao Quảng Nam, với đa số đồng bào DTTS sinh sống. So với trước đây, đời sống của bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu so với nhiều năm về trước.

Chị Hồ Thị Tiết vui mừng vì được cấp bò để phát triển kinh tế.
Chị Hồ Thị Tiết vui mừng vì được cấp bò để phát triển kinh tế

Trên con đường bê tông thẳng tắp chạy đến thôn xa nhất của xã Phước Đức (Phước Sơn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi dọc đường, là những căn nhà mới được dựng lên khang trang, bề thế xung quanh là vườn cây ăn trái xanh mướt.

Chị Hồ Thị Tiết (ngụ thôn 4, xã Phước Đức) cho biết, trước đây gia đình chị thuộc hộ nghèo, khó khăn trong việc trang trải trong gia đình. Năm 2023, gia đình anh chị cùng với một số hộ trong thôn được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế theo mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng.

Ông Mai Đức - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo Bắc Trà My chia sẻ về việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trên địa bàn huyện.
Ông Mai Đức - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo Bắc Trà My chia sẻ về việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện

“Được nhận 2 con bò để chăn nuôi, gia đình tôi rất mừng. Sau thời gian chăm sóc đến nay bò đã sinh được con bê khỏe mạnh. Gia đình trồng thêm cỏ để dưỡng cho bò phát triển tốt. Chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã hết mực quan tâm người khó khăn”, chị Tiết nói.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đức, cho biết: Từ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã phân bổ và hỗ trợ cho hơn 100 hộ dân với gần 300 con trâu, bò thông qua chương trình hỗ trợ cộng đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho 61 hộ về nhà ở, và sử dụng nguồn vốn để xây dựng công trình thiết yếu như đường sá, hỗ trợ nước sạch cho người dân…

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bắc Trà My triển khai nhiều công trình hạ tầng, đường giao thông đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đi lại của người dân.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bắc Trà My triển khai nhiều công trình hạ tầng, đường giao thông đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đi lại của người dân

Còn tại Bắc Trà My, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) được địa phương triển khai một cách hiệu quả, qua đó giúp cho địa phương có nhiều chuyển biến rõ rệt về hạ tầng, cũng như việc trao sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Mới đây, UBND huyện Bắc Trà My vừa tổ chức các lớp tập huấn về mô hình chăn nuôi cộng đồng cho người dân, với nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Theo đó, huyện tổ chức 4 lớp, học viên phần lớn là các hộ dân đồng bào DTTS, Người có úy tín và trưởng thôn, già làng.

Tại đây, cán bộ Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện phối hợp với các chuyên gia về nông nghiệp để tập huấn cho người dân các mô hình về chăn nuôi gà, vịt, heo, bò và hươu. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho người dân về cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.

Phước Sơn đẩy mạnh giải ngân hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Phước Sơn đẩy mạnh giải ngân hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Theo ông Mai Đức, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo Bắc Trà My, trong những năm qua, địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh phân bổ và triển khai các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống nước sạch, hỗ trợ nhà ở cho hàng trăm hộ dân.

“Phần lớn các đường giao thông thiết yếu được đầu tư bài bản, tạo thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của bà con. Riêng Chương trình MTQG 1719 còn giúp cho hơn 150 hộ trên địa bàn có được nhà ở tươm tất. Các hộ khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ bò, heo và cây quế để phát triển kinh tế”, ông Đức cho biết thêm.

Từng bước giảm nghèo bền vững

Có thể nói, các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Nam, nhất là khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn 2021 – 2024, địa phương đẩy mạnh triển khai phân bổ vốn và triển khai thực hiện hàng loạt các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, như cấp con giống, cây giống để hàng ngàn hộ vươn lên thoát nghèo theo các mô hình liên kết sản xuất, sản xuất cộng đồng.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, trong những năm qua, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, huyện đã nỗ lực giải ngân vốn để hỗ trợ sinh kế cho người dân. Chỉ riêng trong năm 2024, địa phương phân bổ hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người dân về con giống như heo, bò, hươu sao; và cây giống như quế, ớt, sầu riêng…

Không chỉ vậy, từ các nguồn kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2023 – 2025, huyện được phân bổ hơn 67 tỷ đồng để thực hiện xóa gần 1.500 nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến cuối tháng 4/2025, địa phương đã hoàn thành hơn 800 nhà cho người dân sinh sống, số còn lại địa phương đang nổ lực thực hiện trong năm nay.

Cơ sở vật chất như trường học, nhà văn hóa ở Đông Giang được xây dựng mới từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cơ sở vật chất như trường học, nhà văn hóa ở Đông Giang được xây dựng mới từ nguồn lực các Chương trình MTQG

Còn tại Tây Giang, trong giai đoạn 2021 – 2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã đẩy mạnh triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ các mô hình giảm nghèo cho hàng trăm người dân.

Đơn cử như đối với dự án 2 đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện đã giải ngân hơn 18 tỷ đồng để triển khai 20 dự án, qua đó hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, góp phần giảm nghèo bền vững. Chỉ riêng xã Dang, đến nay đã cấp 200 con bò cho 100 hộ dân, 60 con heo cho 12 hộ, và hàng chục ngàn cây quế cho hơn 100 hộ dân làm vốn sản xuất.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện tập trung hỗ trợ cho người dân về con giống, nông cụ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách… tạo điều kiện để người dân vươn lên, thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, trong năm 2024 huyện giảm gần 200 hộ nghèo.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, tỉnh đã triển khai hơn 150 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn các huyện, với 3.391 hộ dân tham gia. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh hỗ trợ với 66 dự án với hơn 1.700 người tham gia.

Trên phạm vi toàn tỉnh, theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, đã có hơn 150 dự án phát triển sản xuất cộng đồng và liên kết chuỗi giá trị được triển khai, với sự tham gia của gần 3.400 hộ dân. Bên cạnh đó, 66 dự án sản xuất nông nghiệp, hàng chục dự án giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động và nhà ở cho hộ nghèo cũng được triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, chương trình đưa lao động vùng sâu vùng xa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã mở ra nhiều cơ hội mới. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ dân tại vùng cao Quảng Nam không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện để phát triển ổn định và bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Dự án 8 góp phần đẩy lùi tảo hôn ở bản Chùa

Dự án 8 góp phần đẩy lùi tảo hôn ở bản Chùa

Sau gần 5 năm thực hiện các nội dung hoạt động “bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở bản Chùa đã được đẩy lùi.