Anh Tô Văn Bình, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, là một trong những người đang sở hữu số lượng dúi thương phẩm và dúi giống sinh sản lớn trên địa bàn huyện. Anh cho biết, để có được cơ ngơi với hàng trăm con dúi như bây giờ, bắt nguồn từ sự tình cờ từ năm 2017. Thời điểm đó, anh được một người quen tặng 1 con dúi để về nuôi chơi cho vui. Tuy nhiên, qua thời gian chăm sóc và thuần dưỡng, anh nhận thấy dúi là loài vật dễ nuôi, nhanh lớn và có khả năng phát triển kinh tế cao.
“Thấy dúi phát triển nhanh, tôi quyết tâm đầu tư chuồng trại để nuôi số lượng lớn. Thời gian ban đầu hơi khó khăn, vì mình không rành về kỹ thuật chăm sóc nên một số con bị bệnh, thậm chí bị chết. Tuy nhiên, nhờ học hỏi trên các trang mạng và sự hỗ trợ của bàn bè nên dần khắc phục được. Đến nay, đàn dúi sinh sản tốt, đầu ra ổn định nên thu nhập cũng khá tốt”, anh Bình chia sẻ.
Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, cỏ. Mỗi ngày, anh Bình không mất quá nhiều công chăm sóc, buổi sáng dậy đi kiểm tra tình hình chuồng trại, cho ăn bắp. Buổi chiều mát, anh đi chặt tre, mía về cho chúng ăn. Anh chỉ mất một ít thời gian theo dõi những con dúi đến thời gian giao phối và sinh sản. Những con dúi giống sau thời gian chăm sóc khoảng 7 tháng bắt đầu sinh sản. Bình quân mỗi con dúi sinh sản từ 1-5 con.
Theo anh Bình, dúi là con vật mang lại giá trị kinh tế cao, chi phí thức ăn thấp, công chăm sóc ít, so với các loại vật nuôi khác thì hiệu quả rất cao. Hiện nay, trại dúi của anh Bình dao động khoảng 300-500 con, mỗi năm mang về cho anh từ 120-150 triệu đồng từ việc bán dúi thịt và dúi giống.
Ngoài việc phát triển trang trại của mình, anh Bình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân có nhu cầu về thả nui dúi để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Anh Huỳnh Lê Việt, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc từng học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng lại chọn khởi nghiệp bằng nghề nuôi dúi và đã thành công. Hiện anh Hiệp đang sở hữu trại dúi với hơn 300 con, trong đó hơn 100 cặp là dúi sinh sản.
Anh khởi nghiệp từ năm 2020, với vốn liếng ban đầu là vài cặp dúi sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, anh thấy việc nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế nên đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để mở rộng trang trại, sắm máy móc để phục vụ cho trại nuôi.
Anh Việt cho biết: Nuôi dúi sinh sản phải đảm bảo các yếu tố như: kỹ thuật nuôi, môi trường sống, cơ sở vật chất và đầu ra sản phẩm. Khâu quản lý trại nuôi cũng được số hóa, thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu quản lý đàn vật nuôi, vòng đời, vòng sinh sản, yếu tố phả hệ của dúi. Dúi nuôi ở trại được theo dõi hồ sơ, xuất bán theo ô, ngay cả việc cho ghép đôi giữa con đực và cái cũng được theo dõi chặt chẽ, khoa học.
“Để nuôi dúi sinh sản, trước hết chú trọng về chuồng nuôi, địa điểm nuôi cần yên tĩnh, chuồng nên tránh ánh sáng trực tiếp. Chuồng nuôi bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men, nền bê tông hoặc lát gạch, mỗi ô chuồng dùng cho 1 con. Dúi có tuổi đời trung bình khoảng 6 năm, mỗi năm đẻ khoảng 3 - 4 lần, 3 - 5 con/lần đẻ. Dúi trưởng thành có trọng lượng đạt 1 ký trở lên có giá bán 2,5 - 3 triệu đồng/cặp giống” anh Việt chia sẻ thêm.
Trầy trật mãi với nhiều nghề, nhưng cuộc sống của anh Huỳnh Lê, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc vẫn rất khó khăn. Trong một lần tình cờ, anh được người bạn là thành viên trong Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại lộc giới thiệu về mô hình này, anh cảm thấy thích thú và bắt đầu tìm hiểu. Thời gian đầu lận đận, bởi kinh nghiệm ít ỏi, nhiều cặp giống anh mang về nuôi cũng bị bệnh, thậm chí có con chết. Không nản chí, anh tiếp tục trao đổi cùng bạn bè từ khắp nơi, và mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại nuôi dúi Đến nay, anh đã sở hữu trong tay gần 300 con dúi, trong đó có khoảng 100 con dúi sinh sản.
Theo anh Lê, để có được mô hình nuôi dúi thành công như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, thì còn sự hỗ trợ rất lớn từ Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại Lộc, trong đó anh Huỳnh Thế Toàn, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc làm Tổ trưởng. Ngoài việc được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi dúi, các thành viên trong Tổ như anh được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về phương pháp chăm sóc và điều trị khi dúi mắc bệnh.
"Các thành viên trong tổ còn chia sẻ nhau về cách phối giống làm sao cho hiệu quả, động viên để nhiều người có nghị lực cùng làm giàu. Ước tính, mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng từ bán dúi thương phẩm và dúi giống", anh Lê cho hay.
“Tôi may mắn được Tổ hợp tác chỉ vẽ kinh nghiệm, nên mới bước đầu được thành công như ngày hôm nay. Tôi thấy nuôi dúi so với làm nông lúa nước thì thu nhập cao hơn nhiều, công bỏ ra ít hơn. Với kinh nghiệm chăm sóc dúi của tôi, hiện nay có thể nói là tạm ổn, nếu người nào muốn khởi nghiệp từ mô hình này thì chúng tôi sẵn sàng liên kết, hỗ trợ về kỹ thuật để cùng nhau phát triển”, anh Lê chia sẻ.
Được giới thiệu, chúng tôi tìm gặp anh Huỳnh Thế Toàn, Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc. Anh Toàn cho biết, năm 2018, khi còn là cán bộ Huyện đoàn, anh đã đầu tư nuôi dúi để có thêm thu nhập. Một năm sau đó, mô hình phát triển và mang lại cho anh thu nhập ổn định.
Với mong muốn giúp đỡ nhiều thanh niên cùng phát triển về kinh tế, năm 2019, anh đã đứng ra liên kết với 5 hộ dân nuôi dúi khác trên địa bàn, hình thành Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại Lộc, riêng quy mô trại nuôi của anh tại thời điểm đó có hơn 150 con dúi giống và dúi thịt.
Đến nay, Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại Lộc đã có 14 thành viên, trong đó nhiều hộ đã thành công với trang trại dúi đến vài trăm con và có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chính quyền địa phương kỳ vọng, mô hình nuôi dúi sẽ ngày càng được lan rộng và nhiều người được tiếp cận, được hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật để khởi nghiệp vươn lên làm giàu.