Khu vườn tiêu và các loại cây ăn quả của gia đình anh Vũ Minh Cường, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), vàng rực sắc hoa xuyến chi rất đẹp mắt. Anh Cường có 5,5 ha trồng tiêu xen cà phê già cỗi, anh quyết định tái canh cà phê và chuyển đổi một phần diện tích sang các loại cây ăn trái kết hợp làm dịch vụ.
Rẫy nhà anh Cường đất dốc, mùa mưa thì bị xói mòn, mùa khô không giữ được nước nên việc chăm sóc cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Lên mạng tìm hiểu nghiên cứu nhiều cách làm, mô hình hay, hỏi thêm một số chuyên gia ngành Nông nghiệp, anh nhận thấy việc trồng cỏ xuyến chi bò dưới gốc cây mang lại nhiều lợi ích.
"Thử nghiệm trồng cỏ xuyến chi trên diện tích 1,5ha, tôi thấy rõ hiệu quả, nên giờ đang mở rộng trồng hết vườn. Cỏ xuyến chi che phủ bề mặt, hạn chế cỏ dại, tăng độ thở, giữ độ ẩm cho đất và làm cho đất màu mỡ. Hơn nữa, loại cỏ này hoa cũng rất đẹp và đây cũng là 1 loại cây dược liệu, nếu trồng số lượng lớn sẽ nghiên cứu để tận dụng làm thuốc”, anh Cường chia sẻ.
Tương tự, nhiều năm quản lý cỏ dại đúng cách trên diện tích 6ha cà phê, ông Trần Văn Thảo thôn Ea Bi, xã DliêYa, huyện Krông Năng thấy rõ những lợi ích mà cỏ mang lại.
Ông Thảo kể, mấy năm trước, ông được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hướng dẫn, thực hiện quản lý thảm cỏ sinh học. Ông không ngần ngại áp dụng ngay trên toàn bộ diện tích cà phê của mình. Thực hiện đúng hướng dẫn, cứ để cỏ mục tự nhiên tầm 50 - 60 cm rồi cắt, để lại khoảng 10 cm làm thảm cỏ sinh học. Phần cỏ cắt xuống sẽ được phun chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ. Cứ như thế, vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt, lá xanh mướt, chùm sai, quả to đều và năng suất tăng cao hơn nhiều so với trước đây.
So sánh giữa việc giữ, quản lý cỏ với việc làm sạch cỏ, ông Thảo nói, làm sạch cỏ đất dễ bị khô, phải tưới rất nhiều nước. Còn bây giờ tôi sử dụng nước tưới ít hơn, tưới muộn hơn vào mùa khô mà cây trồng ngày càng xanh tốt. Ngoài ra, cỏ dại còn tạo ra lượng phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí phân bón đang kể.
“Trong tình hình giá phân bón tăng cao gấp đôi, xăng dầu cũng ở mức cao như hiện nay, việc trồng cà phê theo hướng hữu cơ giúp nông dân giảm chi phí rất nhiều. Vườn cà phê nhà tôi cỏ mọc um tùm như vườn hoang, nhưng mà hiệu quả kinh tế lại cao không ngờ, không những tiết kiệm phân bón mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê”, ông Thảo hào hứng khoe.
Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Năng cho biết, cỏ dại là một trong những tác nhân cạnh tranh dinh dưỡng, nước, ánh sáng với cây trồng. Tuy nhiên, nếu biết áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại, nông dân sẽ thu được nhiều lợi ích thiết thực. Cỏ có thể tạo thảm phủ bề mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường vì sinh vật có lợi tồn tại, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra như những năm gần đây, việc áp dụng quản lý cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, bởi cỏ dại chính là lớp thảm sinh học làm giảm bốc hơi nước, giữ ẩm. Việc quản lý thảm cỏ cũng làm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh, không có tồn dư hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng nông sản cải thiện.
Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học trên các vườn cây công nghiệp.