Tiếp tục chuyến thăm chính thức Brazil, ngày 3/7 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ tới làm việc tại thành phố Sao Paulo (bang Sao Paulo) - trung tâm tài chính, công nghiệp lớn nhất của Brazil (nơi chiếm tới 80% tổng sản phẩm công nghiệp Liên bang Brazil) và khu vực Nam Mỹ.
Sao Paulo mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Việt NamĐại sứ Rubens Barbosa, Chủ tịch Hội đồng Cấp cao về ngoại thương bang Sao Paulo (FIESP) và bà Paula, đại diện Bộ Ngoại giao Brazil trong các buổi gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn Việt Nam đều bày tỏ Chính phủ Brazil đặc biệt coi trọng và đánh giá cao chuyến công tác của Chính phủ Việt Nam khi tiếp xúc với Tổng thống và các Bộ trưởng của Chính phủ Brazil.
Trước đại diện hơn 100 doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn Thương mại-Đầu tư Việt Nam-Brazil, bà Paula cho biết hai nước đang có mối quan hệ ngoại giao, chính trị tin cậy, tốt đẹp và Brazil vui mừng khi thấy rằng Việt Nam ngày càng có vị trí cao trên thế giới. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo. Do đó, Brazil muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đầu tư, thương mại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, với Việt Nam, không chỉ hướng tới thị trường 100 triệu dân mà còn hướng tới thị trường ASEAN với 600 triệu dân và quy mô kinh tế 3.000 tỷ USD.
“Chuyến thăm của đoàn Việt Nam là dịp hai bên tăng cường trao đổi hợp tác song phương và đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới trong các lĩnh vực hàng không, nông nghiệp”, đại diện Bộ Ngoại giao Brazil đánh giá.
Trong khi đó, ông Alencar Burti,Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp Sao Paulo nhận định đây là cơ hội để hình ảnh Việt Nam xuất hiện rõ nét, trở thành một trung tâm thu hút đầu tư của doanh nghiệp SaoPaulo. Ông Alencar Burti kêu gọi các doanh nghiệp Sao Paulo tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam.
Mong muốn chính trị phụ thuộc vào hành động của doanh nghiệpTiềm năng dựa trên mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp và thế mạnh của hai nước để thúc đẩy hợp tác, đầu tư là rất nhiều, nhưng trên thực tế nhiều năm qua chưa mang lại lợi ích nhiều cho hai bên.
Việt Nam và Brazil đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2019 và tới nay, hai bên đã có hơn 10 năm quan hệ thương mại đầu tư với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt gần 4 tỷ USD, chủ yếu là từ các mặt hàng nông sản. Nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên khi con số này chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và đầu tư nước ngoài chỉ là con số 0.
“Hai nước cách xa nhau về địa lý và mỗi nước có khó khăn riêng nhưng Brazil đã qua chu kỳ suy thoái và sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh (năm 2017, GDP tăng trưởng 1,5% trong khi các năm trước chỉ tăng 1% - PV). Trong khi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm sẽ là cửa ngõ cho Brazil vào ASEAN và các khối thị trường tự do khác mà Việt Nam là thành viên. Ngược lại, Brazil sẽ là cầu nối để hàng hoá của Việt Nam xâm nhập vào Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUL)”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và cho biết lãnh đạo Chính phủ hai nước đã bàn tới việc này vào ngày 2/7 ở thủ đô Brasilia.
Ngoài các thoả thuận đã được ký kết tại Brasilia về hàng không, nông nghiệp và hợp tác giữa hai Phòng Thương mại-Công nghiệp hai bên, Việt Nam, Brazil cũng đang cơ bản hoàn tất hợp tác về quốc phòng, nhất là công nghiệp quốc phòng, bàn tới việc ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng quan hệ thương mại đầu tư hai bên sẽ tốt hơn trong thời gian tới với các chương trình, hoạt động cụ thể.
“Các bộ, ngành hai nước đã thống nhất rồi và bây giờ cần tới hành động của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hai bên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói với đại diện hơn 100 doanh nghiệp của Việt Nam và Sao Paulo. Đơn cử về cá ba sa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Brazil không tạo ra nhiều rào cản trong nhập khẩu nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá ba sa của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt 18 triệu USD, còn rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD mặt hàng này của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có thể trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Brazil về ngô, đậu tương và sẽ xem xét nhập khẩu thịt bò. Brazil cũng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cà phê, cá tra, tôm của Việt Nam. Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác, đầu tư với Brazil trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp an toàn, du lịch, giáo dục và đào tạo, dược phẩm...
Các Phòng Thương mại Hoa Kỳ và châu Âu cho biết 90% doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam trong năm 2018 có tăng trưởng lợi nhuận; 90% doanh nghiệp châu Âu, 70% doanh nghiệp Hoa kỳ và Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết điều tương tự cũng sẽ đến với các doanh nghiệp Sao Paulo và Brazil nói chung khi tới Việt Nam đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi sang đây để khẳng định quyết tâm mở rộng thị trường với Brazil và tìm kiếm cơ hội cho hai bên. Thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Sao Paulo.
Sáng cùng ngày, trong buổi tiếp Đại sứ Rubens Barbosa, Chủ tịch Hội đồng Cấp cao về ngoại thương của bang Sao Paulo (FIESP), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng thúc đẩy hợp tác với các thành phố lớn của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia tái cơ cấu, mua bán doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hoá, tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xây dựng nhà máy chế biến nông sản để thâm nhập thị trường Việt Nam, ASEAN hoặc có thể xuất khẩu trở lại Brazil.
Vào tháng 9/2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới WEP-ASEAN với nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham dự sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn sẽ được chào đón FIESP và các doanh nghiệp thành viên tham dự, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam cũng như ASEAN.
Theo Chính phủ