Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS Đăk Lăk

PV - 16:51, 20/05/2019

Với vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Đăk Lăk đã phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc vận động bà con cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, già làng Y Krai Cil, dân tộc Mnông, ở buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, còn là tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người thân, cộng đồng tham gia ủng hộ và đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Ở buôn Jiê Yuk có tới 94% số hộ dân tộc Mnông, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới rất khó thực hiện.

Già làng Y Kơt Niê (bìa trái), Người có uy tín buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) thường xuyên đến từng nhà vận động bà con trong buôn thực hiện nếp sống văn hóa. Già làng Y Kơt Niê (bìa trái), Người có uy tín buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) thường xuyên đến từng nhà vận động bà con trong buôn thực hiện nếp sống văn hóa.

Để vận động nhân dân, già làng Y Krai đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng, vận động con cháu tham gia ngày công lao động để bê tông hóa các tuyến đường nội buôn.

Ông đã hiến hơn 100 m2 đất, tự động chặt bỏ hàng chục cây cà phê, phá bỏ hàng rào để mở rộng đường, đóng góp tiền xây dựng. Việc làm của ông được người dân buôn làng noi theo. Nhờ đó, con đường nội buôn nay đã trở thành đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ.

Còn với già làng Y Hơ Êban, dân tộc Ê-Đê, ở buôn Knia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, xây dựng nông thôn mới không chỉ là phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân mà còn phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông đã tuyên truyền, vận động người dân, động viên con em tham gia học đánh chiêng và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, lưu giữ những bộ chiêng quý. Trong gần 15 năm qua, đã có trên 100 thanh thiếu niên buôn Knia được ông hướng dẫn, truyền dạy. Nhiều người trong số đó đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tham gia biểu diễn phục vụ khách tham quan tại các khu du lịch.

Theo già làng Y Hơ, để người dân tin và làm theo, ngoài việc mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thì khi đi vận động phải hết sức khéo léo, kiên trì.

Ông Y Dec H Đơk, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đăk Lăk đánh giá, Người có uy tín ở địa phương đã trở thành lực lượng nòng cốt tham gia vào các tổ hòa giải, vận động tín đồ hoạt động tôn giáo thuần túy đúng pháp luật.

Tại các thôn, buôn, Người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa phi vật thể, nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các địa phương.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk, trong 7 năm qua (2012-2018), toàn tỉnh có hơn 7.000 người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cho Người có uy tín theo quy định. Đây là sự động viên rất lớn giúp cho họ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk đang xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy vai trò tích cực của Người có uy tín; quan tâm, thực hiện tốt chính sách cho Người có uy tín, nâng cao đời sống và phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS...

TÙNG LÂM