Cách đây gần 20 năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7189/ĐPI ngày 14/12/1995, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) đã ban hành Thông tư số 41/UB-TT, ngày 08/01/1996 quy định tiêu chí và hướng dẫn việc phân định từng khu vực theo trình độ phát triển ở vùng DTTS và miền núi. Đây là lần đầu tiên nước ta phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển. Kể từ đó đến nay, hệ thống chính sách đầu tư của vùng DTTS và miền núi được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất, theo tiêu chí phân định 3 khu vực.
Bên cạnh phân định theo trình độ phát triển thì vùng DTTS và miền núi còn được phân định theo bộ tiêu chí miền núi, vùng cao. Bộ tiêu chí này lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1992, làm căn cứ để triển khai Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KT-XH miền núi của Bộ Chính trị; Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 4/1992 đến nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển KT-XH miền núi.
Cùng với phân định miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, Chính phủ đã ban hành thêm một số hình thức phân loại, như: Phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Mỗi phân định, phân loại có các tiêu chí khác nhau, mục đích, phạm vi, đối tượng để ban hành chính sách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau.
Dựa trên bộ tiêu chí này, ngày 22/12/1992, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc công bố danh sách xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Từ đó đến nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành 9 quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Có thể kể đến như: Quyết định số 33/UB-QĐ ngày 04/6/1993; Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/5/1997; Quyết định số 363/2005/QĐ-UBDT ngày 15/8/2005;...
Nhưng, như đã nêu ở trên, từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi được xây dựng, triển khai trên cơ sở phân định theo trình độ phát triển. Vậy, tại sao vẫn cần thiết phân định miền núi, vùng cao?
Từ năm 2017, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”. Từ báo cáo giám sát đã cho thấy, mục tiêu của việc phân định miền núi, vùng cao hoàn toàn khác so với phân định theo trình độ phát triển.
Cụ thể, việc phân định miền núi, vùng cao là cơ sở để ban hành chính sách quy định trong các Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Còn phân định theo trình độ phát triển là cơ sở để thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (ngày 17/8/2021) xem xét phân định miền núi, vùng cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm tiếp tục khẳng định, việc phân định miền núi, vùng cao là cần thiết; đã và đang là căn cứ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và xây dựng cơ chế, pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, hiện bộ tiêu chí chính để phân định miền núi, vùng cao còn quá đơn giản (chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính), không phản ánh đúng tính chất, tương quan giữa các địa phương, các vùng. Do đó cần phải sửa đổi bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao khoa học, sát thực tiễn và đặc biệt là không chồng chéo với bộ tiêu chí phân định theo trình độ phát triển đang là yêu cầu cấp bách.
Thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì tổng kết việc phân định miền núi, vùng cao; đồng thời đánh giá lại tiêu chí phân định 3 khu vực để xác định xây dựng và đề xuất một tiêu chí mới đảm bảo phù hợp hơn, đảm bảo các yếu tố về mặt địa hình, địa giới hành chính, về trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp hơn trong giai đoạn tới.