Một trong những nguyên nhân là do người dân và cả chính quyền địa phương chưa làm rõ được vì sao nghèo để có giải pháp thoát nghèo hiệu quả.
Bản Muống, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có 174 hộ. Trước năm 2016, dù đất đai rộng lớn, lại màu mỡ nhưng cả bản có tới 31 hộ nghèo.
Ông Lường Văn Hùng, Bí thư Chi bộ bản Muống cho biết, do bà con chưa biết cách làm ăn cả thôi, nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Do đó, từ năm 2016, khi triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã đến từng hộ rà soát, hướng dẫn, định hướng cho bà con. Khi bà con bắt tay vào làm, cán bộ thôn, xã cùng làm, động viên bà con. Nhờ đó, hết năm 2017, cả bản không còn hộ nghèo, chỉ có 3 hộ cận nghèo; nhiều hộ đang tiếp tục vươn lên làm giàu. Bản còn 3 hộ cận nghèo.
Cũng như bản Muống, ở nhiều thôn bản ở huyện Mộc Châu đã “truy xuất” nguồn gốc nghèo để giảm nghèo hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền địa phương được giao trách nhiệm tìm rõ nguyên nhân “vì sao nghèo” để phân nhóm đối tượng, lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, Huyện ủy Mộc Châu đã phân công nhiệm vụ cho 61 chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách, giúp đỡ công tác giảm nghèo tại 72 bản ĐBKK, bản có đông đồng bào DTTS. Phân công rõ ràng, cụ thể và gắn trách nhiệm của những người đứng đầu, góp phần làm cho công cuộc giảm nghèo bền vững ở Mộc Châu được triển khai đồng bộ.
Nhờ thực hiện phương châm này, công tác giảm nghèo ở Mộc Châu đã đạt những kết quả rất tích cực. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 10,47%, trong khi toàn tỉnh là 27%. Số liệu này cho thấy, Mộc Châu đã và đang đi đúng hướng trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
TÙNG NGUYÊN