Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ông “đa chiều”

Vân Anh - Giang Lam - 15:45, 30/08/2024

Với kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, ông Hoàng Văn Đa, sinh năm 1958, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn Đồng Mán, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bản làng.

Gương sáng làm giàu

Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hoàng Văn Đa lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 1983, ông phục viên về tham gia công tác ở địa phương. Ông Đa trải qua nhiều vị trí công tác như cán bộ HTX Hợp Thành, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm HTX Nông lâm Hợp Thành, cán bộ văn hóa xã Lực Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành. Năm 2016, ông Đa nghỉ hưu và được người dân tin tưởng bầu là Người có uy tín của thôn từ đó đến nay.

Bên ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, nhấp ngụm trà nóng, ông Đa cho biết, ngôi nhà này của gia đình ông xây cách đây gần 3 năm là nhờ bán rừng keo đấy. Ở Đồng Mán này, nhiều nhà cao tầng, biệt thự nhờ trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây dong riềng lắm. Nhiều năm nay, ông trồng gần 10ha rừng keo, 2ha bưởi, 4ha dong riềng, chăn nuôi trâu, lợn... Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông đạt trên 300 triệu đồng.

Ông Đa chia sẻ: "Để người dân tôn trọng và lời nói của mình có trọng lượng thì bản thân phải tiên phong, gương mẫu, luôn vì cái chung”. Từ kinh nghiệm của mình, ông Đa tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con duy trì, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với những hộ thiếu vốn, ông hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ, ngân hàng...

Thôn Đồng Mán có 83 hộ với 325 nhân khẩu, trong đó có 80% là người dân tộc Tày. Ông Đa bảo, trước đây, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, đường giao thông đi lại không thuận tiện, giá bưởi, củ dong riềng bấp bênh. Có nhiều thời điểm người dân không mặn mà với 2 loại cây trồng này nữa. Đỉnh điểm là năm 2021, giá củ dong riềng chạm "đáy", chỉ còn 600 đồng/kg, cả thôn chỉ còn trồng 12ha dong riềng.

Ông Hoàng Văn Đa chăm sóc vườn bưởi của gia đình.
Ông Hoàng Văn Đa chăm sóc vườn bưởi của gia đình

Ông Đa vẫn tích cực tuyên truyền người dân duy trì trồng dong riềng, bởi theo ông, cây trồng nào cũng có lúc bị mất giá. Nếu vào một thời điểm giá thấp mà bỏ tất cả đi thì đó là cách làm thiếu bền vững. Làm ăn phải kiên trì, thua keo này phải nghĩ đến keo khác, không thể bỏ cuộc. Cuối năm 2023, củ dong riềng lại tiếp tục được mùa, được giá từ 2.200 - 2.500 đồng/kg, nhiều người dân thắng đậm, thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng từ trồng cây dong riềng và làm các sản phẩm từ dong riềng. Tính đến tháng 5/2024, thôn phát triển được hơn 30ha dong riềng. Hiệu quả từ đó, người ta lại nghĩ đến ông Đa, bảo rằng, đúng là ông "đa chiều", chứ không "một chiều" như mình. Khi có cái nhìn rộng ra, mọi việc sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Cây dong riềng là cây giảm nghèo ở đây. Năm 2015, thôn có 60% số hộ nghèo, đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39%, toàn thôn có 20 hộ khá, giàu.

Ông Hoàng Văn Đa hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cây dong riềng.
Ông Hoàng Văn Đa hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cây dong riềng

Trách nhiệm với thôn xóm

"Ông ơi! Chúng cháu hòa giải từ sáng rồi mà tình hình vợ chồng nhà ấy vẫn căng thẳng lắm. Họ vẫn đòi ly hôn ông ạ! Ông sang ngay hỗ trợ chúng cháu với nhé". Dứt cuộc điện thoại với một thành viên Tổ hòa giải thôn, ông Đa vội phi xe máy đến ngay “điểm nóng”.

Biết chị T.T.M. có điều bức xúc với anh H.Đ.B. nên ông Đa đã dành thời gian để khuyên nhủ. “Vợ chồng sống với nhau cũng có lúc này, lúc nọ. Mình phải biết thông cảm và chia sẻ với nhau”, ông Đa khuyên chị T.T.M. Ông còn lấy chuyện gia đình mình, cũng như những đôi vợ chồng trong thôn giờ sống hòa thuận nhưng từng trải qua bao sóng gió để minh chứng. Vốn nể trọng ông Đa, nay ông lại đến tận nhà khuyên bảo bằng tấm chân tình nên vợ chồng chị T.T.M. đã xuôi rồi, không còn đòi bỏ nhau nữa.

Anh Hoàng Văn Hiên, Trưởng thôn Đồng Mán chia sẻ, anh luôn tham khảo ý kiến của ông Đa để giải quyết các công việc của thôn. Nhiều vụ việc rất khó như hàng xóm, người thân trong gia đình tranh chấp đất đai; vợ chồng bất hòa... nhưng bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Đa đã hòa giải thành công. Nhờ đó, nhiều năm liền, tình hình an ninh trật tự ở thôn luôn được đảm bảo...

Ông Đa tuyên truyền chính sách dân tộc cho người dân thôn Đồng Mán.
Ông Đa tuyên truyền chính sách dân tộc cho người dân thôn Đồng Mán

Hay trong thực hiện bê tông tuyến đường đi qua thôn dài hơn 1km mãi chưa hoàn thành do có nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mặt bằng. Nhờ sự phân tích “thấu tình đạt lý” của ông Đa, người dân trong thôn đã tích cực góp cát sỏi, hiến đất, cây cối để làm đường. Cũng nhờ có sự tiếp sức của ông Đa trong công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, thôn đã bê tông hóa được hơn 3,6km đường thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Lực Hành Lê Thiện Trí nhận xét, qua nhiều năm đảm nhận vai trò là Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Đồng Mán, với tinh thần trách nhiệm của mình, dù ở vị trí nào ông Hoàng Văn Đa cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhân dân tin tưởng, nể trọng. Ông là tấm gương sáng, nhiệt huyết với công việc của tập thể, các phong trào thi đua, nhân lên những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.