Gia đình chị H’Luốt Adrơng (buôn Ea Mdhar, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chỉ có 3 sào đất trồng cà phê không đủ sống nên ai kêu gì vợ chồng chị làm nấy, thu nhập bấp bênh. Để kiếm thêm thu nhập, nhà chị nuôi thêm heo đen.
Chị H’Luốt cho biết, heo đen là giống bản địa, rất khỏe, có sức đề kháng cao, ít bệnh. Chúng ăn các loại rau củ quả trong vườn, trên rẫy như: rau lang, thân chuối, củ mì, bắp… rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với nuôi heo trắng. Với phương thức chăn nuôi tự nhiên, không cho ăn các loại thức ăn tăng trọng, không dùng chất tạo nạc nên thịt heo đen rắn chắc, ít mỡ, nạc dày.
Một năm, một con heo mẹ sinh sản được 2 đợt, mỗi đợt từ 8-12 con. Heo con nuôi khoảng 3 tháng thì xuất bán với giá từ 1,2-1,5 triệu đồng/cặp; bình quân chị H’Luốt thu về hơn 12 triệu đồng/năm từ nuôi heo đen. Tuy không nhiều nhưng với gia đình nghèo như nhà chị, số tiền này là rất quý, nhất là những tháng giáp hạt, đầu năm học đóng tiền học phí, mua quần áo sách vở cho con…
Thuộc diện khá giả, hai vợ chồng đều công tác tại trạm y tế xã Ea Trul, huyện Krông Bông nhưng gần 10 năm nay, anh Y Nô Hwing (buôn Plum) vẫn gắn bó với mô hình nuôi heo đen truyền thống. Hiện anh đang nuôi 25 con heo nhỏ, đợi thêm thời gian nữa heo đạt cân nặng 10-12kg sẽ cho xuất chuồng. Với giá bán hiện tại dao động từ 500-700 nghìn đồng/con, dự kiến thu về gần 17 triệu đồng.
Anh Y Nô tâm sự: “Vợ chồng mình làm công chức, mức lương chỉ đủ sống. Mình tranh thủ thời gian nuôi thêm heo đen lấy công làm lãi”.
Ông Y Bích Byă, Trưởng buôn Plum, xã Ea Trul cho biết, trong buôn có 174/180 hộ là đồng bào DTTS. Người dân chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhà nào cũng nuôi vài con heo đen, có nhà nuôi 3-4 con heo mẹ, mỗi năm thu về 15-20 triệu đồng, có thêm khoản thu trang trải cuộc sống.
ĐĂNG QUANG