Là cô gái dân tộc Dao, sinh ra tại bản Thung Rếch, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Bàn Thị Huệ đã mơ ước trở thành nữ chiến sĩ Công an. Bằng ý chí và lòng quyết tâm, Bàn Thị Huệ không quản ngày đêm miệt mài đèn sách, tự mình khổ luyện với khát khao cháy bỏng đạt được ước mơ của mình. Những nỗ lực vượt khó đã đưa chân cô bước vào Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình vào năm 2013.
Sau hai năm chăm chỉ rèn luyện, Bàn Thị Huệ hân hoan cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, chuyên ngành Trinh sát trại giam. Không chỉ thế, Huệ còn được kết nạp vào Đảng trước khi ra trường và được thăng quân hàm trước niên hạn một năm. Ra trường, Huệ được phân công về nhận công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình (năm 2015).
Thiếu úy Bàn Thị Huệ cho biết: "Tôi được phân công làm cán bộ quản giáo (quản lý vào giáo dục phạm nhân). Đây là một vị trí hết sức khó khăn, phức tạp; đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực chuyên môn cao, sắc bén, tâm huyết và trách nhiệm.
Với nỗ lực học hỏi, bằng phẩm chất, lòng bao dung, vị tha, Thiếu úy Bàn Thị Huệ tiếp cận công tác bằng niềm đam mê và vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học vào công việc thường nhật. Chị xác định phạm nhân là những người sa chân lỡ bước, nhưng họ là con người, cũng có những khoảng sáng và góc khuất. Bởi thế, Thiếu úy Bàn Thị Huệ coi phạm nhân như chính người thân của mình. Chị luôn gần gũi, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của phạm nhân để giáo dục, cảm hóa, động viên, khích lệ họ vượt qua mặc cảm quá khứ tội lỗi, vươn lên cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong suốt quá trình công tác, phải tiếp xúc với nhiều phạm nhân, mỗi người đều có những tính cách, cung bậc cảm xúc tâm lý khác nhau, song Thiếu úy Bàn Thị Huệ không hề cảm thấy nản mà ngược lại, cô còn học hỏi và dành nhiều thời gian để giáo dục cho từng phạm nhân. "Chỉ cần học tập phong cách ứng xử văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình. Vừa chủ động, linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị đối với phạm nhân thì phạm nhân nào cũng nghe theo. Sau mỗi giờ cho phạm nhân giải lao, tôi thường gần gũi hỏi han, động viên về sức khỏe, về gia đình các nữ phạm nhân. Sự chân thành, tính nhân văn đã giúp cho phạm nhân thấy tin tưởng mà tự bộc bạch, tâm sự những nỗi niềm trong lòng, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước để quyết tâm cải tạo tốt, làm lại cuộc đời”, Thiếu úy Huệ chia sẻ.
Chia sẻ tình cảm đối với cán bộ quản giáo Bàn Thị Huệ, phạm nhân Nguyễn Thị Nguyện cho biết: “Từ khi chấp hành án tại trại, được gặp cán bộ Huệ, tuy là cán bộ trẻ song luôn quan tâm, gần gũi, chuyện trò với chúng tôi, khiến chúng tôi không còn mặc cảm về quá khứ tội lỗi của mình. Tôi cảm nhận được tình cảm mà cán bộ Huệ dành cho chúng tôi giống như người thân vậy, chúng tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về”.
Không chỉ cảm hóa, giáo dục, Thiếu úy Bàn Thị Huệ còn trực tiếp lao động cùng các nữ phạm nhân để hiểu hơn về hoàn cảnh của những phụ nữ phạm tội; từ đó có phương pháp ứng xử phù hợp. chị quan niệm: Người cán bộ quản giáo muốn cảm hóa, giáo dục được phạm nhân thì trước tiên phải có tác phong nêu gương; thực hiện “chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”.
“Trẻ nhưng không non, nữ nhưng không yếu, sẵn sàng xung phong đảm nhận việc khó và hoàn thành tốt vì lợi ích của nhân dân”. Đó là những đánh giá của Thượng tá Mạc Đức Đán, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình dành cho Thiếu úy Bàn Thị Huệ. Chị chính là tấm gương tiêu biểu về người đảng viên trẻ xung kích, sáng tạo, bản lĩnh, vượt khó, tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiếu úy Bàn Thị Huệ xứng đáng là một trong 70 gương cá nhân điển hình tiên tiến khắc ghi sâu sắc lời dạy của Bác Hồ và được tôn vinh tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn lực lượng Công an Nhân dân giai đoạn 2013-2018.
Từ khi chấp hành án tại trại, được gặp cán bộ Huệ, tuy là cán bộ trẻ song luôn quan tâm, gần gũi, chuyện trò với chúng tôi, khiến chúng tôi không còn mặc cảm về quá khứ tội lỗi của mình. Tôi cảm nhận được tình cảm mà cán bộ Huệ dành cho chúng tôi giống như người thân vậy, chúng tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về”. (Phạm nhân Nguyễn Thị Nguyện).
MINH THU