Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm đến 77% thị phần… Còn EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ là những thị trường lớn, giá trị xuất khẩu cao, họ đưa ra những luật lệ, quy định mới, chặt chẽ nên các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn khi vào thị trường này…
Tại Hội thảo “Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Công ty TNHH Dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSAs) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/5/2018, đã thu hút hơn 250 chuyên gia, doanh nghiệp HVNCLC, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia. Hội thảo đã đưa đến những cái nhìn cụ thể, những việc cần làm để giúp doanh nghiệp Việt xây dựng chiến lược nhằm xuất khẩu sản phẩm lâu dài, ổn định.
Yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp nhỏ và nông dân Việt cần xây dựng để có thể hội nhập và phát triển bền vững, đó là: Đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ.
Chuyên gia thương hiệu Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn The Pathfinder cho rằng, muốn xâm nhập thị trường thế giới và phát triển bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật các hệ thống chất lượng, các xu hướng giúp Việt Nam tạo cơ hội cạnh tranh mới, như: Đa dạng hóa sản phẩm cho các phân khúc tiêu dùng. Chuyển hướng sang sản xuất xanh, thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng hướng tới hội nhập quốc tế. Sử dụng công nghệ 4.0 tạo đột phá trong kinh doanh. Phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ phân phối sản phẩm sạch, an toàn. Tham gia chương trình thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng địa phương, tài nguyên bản địa; các chương trình khởi nghiệp quốc gia và địa phương….
Chuyên gia Chỉ dẫn địa lý Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh cũng như tăng hiệu quả trong việc thương mại hóa sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, Hội Doanh nghiệp HVNCLC cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn trong tất cả hệ thống phân phối trên cả nước; tiếp tục mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm; chỉ đạo các doanh nghiệp HVNCLC sản xuất sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… nhằm tạo nguồn cung đảm bảo an toàn nông sản ra thị trường thế giới tiêu thụ.
Hơn một năm trước, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã đưa ra một bộ tiêu chuẩn mới, với tên gọi, Bộ tiêu chí HVNCLC-Chuẩn hội nhập, sau 20 năm phát triển với Bộ tiêu chí HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn trước đây. Đây là bộ tiêu chí dựa trên sự kế thừa các quy định, thực hành hiện có tại Việt Nam, được diễn giải và đảm bảo giám sát quá trình áp dụng tuân thủ các quy định về công nhận, chứng nhận quốc tế có liên quan.
Bộ tiêu chí này giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được chất lượng sản phẩm, cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của mình đối với thế giới. Đến thời điểm hiện nay, Bộ tiêu chí HVNCLC-Chuẩn hội nhập đã chứng nhận và trao giấy chứng nhận cho gần 100 doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập.
Mới đây, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 38/2012/NĐ-CP, đưa ra những thay đổi cơ bản về quan điểm quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có điều khoản chấp nhận các hệ thống quản lý chất lượng có nguồn gốc từ khối tư nhân.
Có thể nói, tiêu chuẩn, chất lượng cộng với giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ, là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản Việt Nam đi ra thế giới. Điều này khẳng định vai trò của tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
THANH HUYỀN