Không chỉ ở đồng bằng, người nông dân ở vùng cao, miền núi cũng đã có nhiều thay đổi trong cách thức làm ăn, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đưa công nghệ cao vào sản xuấtHuyện Lạc Dương, địa phương được liệt vào diện nghèo khó một thời của tỉnh Lâm Đồng, đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Những người nông dân trước đây chỉ biết trồng cà phê, nay đã biết chuyển đổi sang trồng hoa, rau màu trong nhà kính và liên kết với nhau để sản xuất hàng hoá lớn.
Nhắc tới người dám thay đổi để làm giàu, người dân xã Đạ Sar không khỏi nhớ tới ông Lơ Mu Ha Hang ở thôn 1. Ông là người đi tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2013, ông được hỗ trợ vốn, ống nước, máy tưới để trồng 1 sào bó xôi trong nhà kính. Sau đó, ông tăng lên 2 sào, vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng, diện tích san ủi làm nhà kính tăng dần lên mỗi năm. Gia đình ông Ha Hang trồng lơ, cẩm tú cầu, salem, hướng dương, mắt ngọc…
Không chỉ có ông Hơ Hang, nhiều hộ DTTS ở Lạc Dương nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, liên kết sản xuất rau, hoa theo hợp đồng thu mua của các doanh nghiệp. Ông Krajan Wơr, ở tổ dân phố Đan Kia, và ông Cil Philip, ở tổ dân phố B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương, đã hợp tác chuyển đổi hơn 5 sào cà phê sang trồng bắp sú và hoa hồng. Hai ông ký hợp đồng với đại lý bao tiêu sản phẩm theo giá 500 đồng/cây bắp sú và 1.000 đồng/bông hồng. Với giá bán ổn định này, hằng năm ông Krajan Wơr thu lãi gần 300 triệu đồng, còn ông Cil Philip có lợi nhuận hơn 120 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Dương, hiện trên địa bàn huyện có 4000 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó có khoảng 250 hộ người DTTS, với mức thu nhập bình quân hàng năm từ 100-150 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ ở vùng đất nghèo khó.
Làm sản phẩm theo chuẩn quốc tếBước vào giai đoạn hội nhập, nông dân ngày càng có ý thức sản xuất theo hướng an toàn với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tốt cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng được những vùng chuyên canh cây hằng năm, cây lâu năm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
HTX dịch vụ nông nghiệp Ea Kmat-Hòa Đông-Krông Pắc (Đăk Lăk) được thành lập năm 2014 với 99 thành viên tham gia sản xuất 140ha cà phê đạt chứng nhận thương mại Công bằng (FLO), sản lượng đăng ký hằng năm 600 tấn.
Để sản xuất cà phê đạt chứng nhận FLO, các thành viên của HTX phải tuân thủ các nguyên tắc do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng-Fairtrade Labelling Organization International (thành lập năm 1998 tại Hà Lan) đưa ra. Trong đó, các sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nông dân sản xuất cà phê phải hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong quá trình sản xuất. Tất cả các loại bao bì, dụng cụ, chai lọ sử dụng trong quá trình sản xuất phải gom và xử lý theo đúng quy định để bảo đảm môi trường cho vườn cây và sức khỏe cho cả cộng đồng.
Ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX cho biết, hiện tại HTX đã tìm được thị trường thương mại 30 tấn cà phê organic với giá cao hơn cà phê thường từ 40-50%. “Với giá cả cà phê lên xuống trong thời gian qua, tìm ra hướng đi mới, sản xuất đáp ứng chuẩn quốc tế đang là hướng đi đúng đắn để đảm bảo thu nhập cho bà con xã viên”, ông Eban cho hay.
NGUYỄN LÊ