Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân Thanh Hóa nguy cơ mất mùa sắn vì bệnh khảm lá

Quỳnh Trâm - 17:45, 04/05/2021

Những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Thanh Hóa và có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 5 huyện ở Thanh Hóa có diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh, trong đó nhiều hộ gia đình có nguy cơ mất trắng hàng chục triệu đồng do phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

ông Lê Thọ Bình, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích sắn bị nhiệm bệnh
ông Lê Thọ Bình, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích sắn bị nhiệm bệnh

Chúng tôi có mặt ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), trực tiếp mục sở thị những đồi sắn rộng bạt ngàn, đứng trước nguy cơ mất trắng vì bệnh khảm lá. Những cây sắn non cao khoảng 50cm, lá khô lại, cong queo và nhăn nhúm. Theo khoa học,  bệnh khảm lá sắn rất nguy hại và khó diệt trừ.

Những năm qua, nhờ trồng sắn giúp hộ ông Lê Thọ Bình, trú xã Xuân Dương có thu nhập khá. Đầu năm nay, vợ chồng ông xuống giống hơn 2ha sắn. Dày công chăm bón nên vườn sắn phát triển xanh tốt hứa hẹn năng suất cao. Tuy nhiên, gần đây lá cây sắn ngả màu vàng, khô héo, ông Bình chạy đôn chạy đáo tìm cách cứu chữa nhưng chưa có chuyển biến tốt.

“Vợ chồng tôi đã đầu tư chi phí cày ủi, phân, giống, công trồng… khoảng 14-16 triệu đồng/ha, giờ hầu hết diện tích đều mắc bệnh khảm lá. Tôi đang trông chờ trời mưa nhiều để xem bệnh có giảm bớt đi không, nếu không cứu được vườn sắn, vợ chồng tôi trắng tay vụ này”, ông Bình nói.

3 ha sắn của bà Lê Thị Thủy trồng giáp ranh khu vực nhà ông Bình, cũng bị bệnh khảm lá, bà cho hay: “Sắn trồng ở vùng đất này cho năng suất cao, những vụ trước nếu có bị bệnh khảm lá, thì cũng chỉ một số ít diện tích, nhưng riêng năm nay, bệnh xuất hiện dày đặc khiến chúng tôi không kịp trở tay. Chính quyền địa phương yêu cầu chúng tôi nhổ bỏ diện tích sắn mắc bệnh, nếu không còn cách cứu vớt, thì tôi buộc phải làm thế thôi, dù tiếc công tiếc của”. 

Ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân cho biết, hầu hết các xã miền núi của huyện đều có diện tích sắn mắc bệnh khảm lá, theo thống kê ban đầu khoảng 991,5 ha. “Chúng tôi đang triển khai vận động bà con nhổ bỏ những diện tích mắc bệnh để tránh lây lan rộng và xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiệt hại cho bà con theo quy định của nhà nước”, ông Trường nói.

Từ cuối năm 2019, bệnh khảm lá trên cây sắn xuất hiện tại Thanh Hóa, đến nay tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, mà có chiều hướng gia tăng nhanh, lây lan diện rộng tại một số huyện. Các huyện có diện tích sắn bị nhiễm bệnh nhiều như: Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc và Thọ Xuân, với tổng diện tích hơn 2.488 ha. Trong đó, diện tích bị bệnh khảm lá sắn ở huyện Thường Xuân là nhiều nhất, với hơn 991 ha.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Thanh Hóa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bệnh khảm lá sắn bùng phát mạnh ở Thanh Hóa. Trong đó, các nguyên nhân chính là nguồn cây giống chống bệnh khảm lá sắn chưa được đưa vào sản xuất rộng rãi để thay thế giống nhiễm bệnh. Do khu vực trồng sắn ở trên vùng cao, địa hình phức tạp… nên việc phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng khó khăn.

Chính quyền xã Xuân Dương tổ chức tuyên truyền vận động bà con thôn, bản nhổ bỏ diện tích sắn mắc bệnh để trồng thay thế các loại cây khác
Chính quyền xã Xuân Dương tổ chức tuyên truyền vận động bà con thôn, bản nhổ bỏ diện tích sắn mắc bệnh để trồng thay thế các loại cây khác

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn lấy giống từ chính những cây sắn bị bệnh hoặc không đốt bỏ triệt để các cây bị bệnh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng của chính quyền các địa phương chưa thường xuyên liên tục....

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Văn Vương, Chi Cục trưởng Chi cục TT&BVTV Thanh Hóa cho biết, để phòng chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn cho các địa phương, nhưng có địa phương chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đơn cử như huyện Thường Xuân, vụ sắn năm 2020, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn của huyện chỉ hơn 80 ha, nhưng vụ năm nay, diện tích cây sắn bị sâu bệnh tăng rất lớn, hơn 991 ha, chiếm gần 89% diện tích gieo trồng.

“Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để cho người dân hiểu, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh; đồng thời có những hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc chuyển đổi cây trồng đối với các diện tích sắn phải nhổ bỏ”, ông Vương nói.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.