Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân lao đao vì thương lái ép giá thu mua lúa

PV - 10:12, 17/07/2018

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, lợi dụng những cơn mưa lớn kéo dài liên tục nhiều thương lái trên địa bàn huyện Tân Hiệp đã tự ý bỏ cọc, hạ giá thu mua lúa xuống từ 1 ngàn đến 2 ngàn đồng/kg so với cam kết ban đầu để trục lợi.

Ngày 14/7, khi chúng tôi tới các xã Tân An, Tân Hòa và Tân Thành của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), dọc theo tuyến kênh Zero có nhiều các bao lúa được chất đống, phủ bạt, để ngay ven đường. Qua tìm hiểu, được biết toàn bộ số lúa trên là lúa chất lượng thấp IR50404 đã thu hoạch khoảng 2 đến 3 ngày nay, nhưng do thương lái bỏ cọc, không thu mua nên bà con nông dân vẫn chưa bán được.

Nông dân Nông dân ở huyện Tân Hiệp thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Văn Tròn, ở ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp cho biết: Lúa cắt xong thương lái đến thương lượng hạ xuống từ 3 đến 400 đồng. Sau đó chờ hoài không quay lại lấy lúa nữa, coi như là nó bỏ cọc.

Ban đầu, trước khi lúa thu hoạch khoảng 10 ngày, hầu hết bà con nông dân ở đây đều đã nhận tiền đặt cọc 300 ngàn đồng/công lúa. Và được thương lái hứa hẹn là sẽ mua lúa với giá từ 5.300 đồng/kg đến 5.400 đồng/kg ngay sau khi thu hoạch tại ruộng. Mức giá này rất cao đối với giống lúa chất lượng thấp như IR50404, thậm chí còn cao hơn cả các giống chất lượng cao khác. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, thương lái lại tìm cách kéo dài thời gian, đưa ra rất nhiều lý do không cho ghe tới thu mua.

Chị Nguyễn Thị Thắm, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp cho biết: Thương lái đã cân lúa nhưng để đó, hẹn ngày mai 12 giờ mới tới lấy lúa. Đến tối thì nói bỏ cọc. Tôi mới nói là thôi bây giờ đằng nào cũng lỗ rồi xuống giá là 4 ngàn chín, nhưng thương lái cũng không lấy còn nói bỏ luôn.

Việc kéo dài thời gian, không chịu thu mua lúa ngay vào lúc mưa lớn kéo dài đã khiến cho bà con nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Lúa để lâu trên đồng sẽ bị đổ sập, làm giảm năng suất đến 70%. Lúa cắt rồi trong vòng 3 ngày cũng sẽ bị ẩm mốc, giảm chất lượng chỉ có thể bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Anh Đỗ Thanh Vũ, ở ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp thì cho biết: Thương lái bỏ cọc không mua lúa, ảnh hưởng rất nặng cho người nông dân. Bây giờ phải cắt đem đi sấy chứ biết làm sao.

Còn Chị Nguyễn Thị Thắm, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp thì than phiền: Lúa cắt 2 đêm 3 ngày rồi mà không bán được, để thêm ngày nữa là bỏ luôn chứ còn bán được cho ai.

Đây là những chiêu thức ép giá của các thương lái. Đợi đến khi người nông dân bắt đầu hoang mang, sốt ruột cần bán lúa gấp, thương lái tiếp tục tiến hành cho cò lúa xuống thỏa thuận hạ giá bán với bà con nông dân. Mức giá này chỉ còn 4.600 đồng/kg đối với lúa tốt, lúa chất lượng kém hơn thì bị ép giá xuống 4.100 đồng/kg thậm chí có nơi chỉ còn 3.700 đồng/kg. Bằng hình thức này, thương lái mặc dù đã bỏ cọc nhưng vẫn có thể trục lợi.

Ngành Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đang tìm kiếm giải pháp kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ thu mua lúa cho bà con nông dân. Tuy nhiên đầu ra cho giống lúa chất lượng thấp IR50404 khá bấp bênh và đây cũng là giống lúa nằm trong khuyến cáo không sản xuất. Giao dịch giữa bà con nông dân với thương lái lại chỉ là lời cam kết riêng giữa 2 bên.

Nếu mưa lớn cứ tiếp tục kéo dài như hiện nay thì bà con nông dân trồng giống lúa chất lượng thấp IR50404 buộc lòng phải cắt lúa trên ruộng của mình. Thế nhưng lúa sau khi cắt xong bán như thế nào? Mức giá ra sao? Vẫn sẽ là nỗi lo lắng của những hộ nông dân nơi đây.

THẾ HẠNH

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.