“Nới” vẫn là… có giới hạn!Điều 129-Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là không quá 3ha (áp dụng ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), không quá 2ha ở những khu vực khác. Việc quy định “trần” hạn điền không chỉ hạn chế nền sản xuất hàng hóa lớn mà còn là “lực cản” trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Lợi Đức (tên thường gọi Sáu Đức) ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) có thể xem là một trong những nông dân “máu mặt” ở miền Tây khi có trong tay 190ha, gồm 120ha mua của người khác để sản xuất lúa giống, 70ha thuê để mở trang trại chăn nuôi. Để không “phạm luật”, Sáu Đức buộc phải nhờ anh em, họ hàng đứng tên sở hữu đất. Vì vậy, dù “ăn nên làm ra” nhưng lúc nào ông cũng lo lắng. Bởi theo ông, sử dụng đất cần lâu dài, nếu nhờ đứng tên sau này nảy sinh những tranh chấp pháp lý rất phức tạp. Mặc khác, nếu muốn sử dụng sổ đỏ đi vay tiền thì phải nhờ người đứng sổ đỏ ký tên, rắc rối vô cùng.
Đây cũng là tâm lý của nhiều nông dân muốn làm ăn lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dù có trong tay diện tích đất đai rộng lớn, nhưng họ luôn luôn lo lắng bởi quy định hạn điền, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc.
Chính bởi thế, nhiều nông dân rất vui mừng khi biết, dự kiến trong tháng 3/2018, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 sẽ được trình Chính phủ. Một nội dung đặc biệt được quan tâm là việc sửa đổi quy định về hạn điền. Theo dự thảo thì quy định về hạn điền sẽ sửa đổi theo hai phương án: hoặc là nới rộng hơn 10 lần so với quy định hiện hành, hoặc là bỏ quy định về hạn điền.
Phương án nới rộng hạn mức giao đất được đánh giá sẽ đáp ứng được nhu cầu tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp với quy mô diện tích lớn. Tuy nhiên, về bản chất, nới rộng cũng đồng nghĩa vẫn có giới hạn về diện tích giao đất. Dù hạn mức được mở rộng hơn 10 lần so với hiện tại thì cũng không đáp ứng được nhu cầu tích tụ ruộng đất của những nông dân muốn làm giàu từ nông nghiệp.
Như trường hợp của ông Sáu Đức ở An Giang, nếu hạn điền được nới rộng hơn 10 lần thì ông cũng chỉ có thể “chính chủ” 30ha trong tổng số 190ha mà ông đang canh tác. Còn lại 160ha, ông vẫn phải nhờ người đứng tên để không “phạm luật”. Điều này đồng nghĩa những lo lắng, bất an của ông sẽ không bao giờ được gỡ bỏ. Với tâm lý bị đè nặng như vậy, liệu rằng ông và những nông dân muốn làm ăn lớn từ nghề của cha ông có đủ tâm huyết, dũng khí để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?
Xóa bỏ hạn điền-nhiều hệ lụy?Phương án nới rộng hạn điền nhưng thực chất vẫn giới hạn định mức giao đất. Bởi vậy, đề xuất xóa bỏ hạn điền ở thời điểm này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đang quan tâm, mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn như hiện nay.
Tuy nhiên, phương án xóa bỏ hạn điền cũng cần phải được tính toán kỹ bởi những tác động tiêu cực của nó. Đầu tiên là ở góc độ xã hội, việc xóa bỏ hạn điền có thể dẫn tới tình trạng đất đai tập trung vào tay một số người có tiền, thậm chí không loại trừ trường hợp đầu cơ. Nếu tích tụ đất đai diễn ra ồ ạt thì sau khi bán, chuyển nhượng hết ruộng đất, nông dân sẽ đi đâu, về đâu?
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản được Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 10/2017, hiện một hộ nông dân bình quân sử dụng 2,5 thửa đất sản xuất nông nghiệp, bình quân một thửa đất có diện tích 1.843,1m2; một hộ nông dân trung bình có 4-5 nhân khẩu. Vị chi, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp chưa đầy 1.000m2/người.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì cả nước hiện có 2.262 cánh đồng lớn; diện tích bình quân một cánh đồng lớn là 256,1ha; trong đó, cánh đồng ở 4 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) có diện tích 1.073ha.
Từ những dữ liệu này, thử làm phép tính, để hình thành thửa đất 1.073ha (tương đương 1.073.000m2) thì doanh nghiệp sẽ phải mua đất của 200-250 hộ; tương ứng khoảng 1.000 lao động nông thôn sẽ không còn tư liệu để sản xuất. Họ sẽ ra sao?
Chắc chắn phần đông sẽ tràn về các thành phố, khu công nghiệp. Nhưng bao nhiêu người sẽ có công việc ổn định, bao nhiêu người sẽ phải “sống tạm”? Xa hơn nữa, trong tương lai, con cái của các hộ nông dân này lớn lên sẽ giải quyết việc làm như thế nào?...
Những tác động tiêu cực nêu trên khi xóa bỏ hạn điền cần phải được cân nhắc để xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp. Ngoài ra, việc xóa bỏ hạn điền cũng có thể dẫn tới tình trạng “tư nhân hóa đất đai” trên thực tế. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 vẫn quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Như vậy, trong trường hợp xóa bỏ hạn điền là giải pháp duy nhất để khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, thì trước khi sửa Luật Đất đai, theo quy trình, phải sửa đổi quy định về chế độ sở hữu đất đai trong Hiến pháp. Nhưng đặt vấn đề sửa đổi khi Hiến pháp mới có thời gian thi hành hơn 4 năm có khả thi không?
Thực tế, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, nới rộng hay xóa bỏ hạn điền cần phải được tính toán kỹ lưỡng những mâu thuẫn sẽ phát sinh. Quan trọng nhất, việc chọn giải pháp nào để tích tụ ruộng đất cũng đều phải hướng tới mục tiêu bảo đảm hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
SỸ HÀO