Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm tin mới, khí thế mới

PV - 10:12, 03/01/2019

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đất nước bước vào năm 2019 với niềm tin và khí thế mới.

nhieu-yeu-to-giup-kinh-te-viet-nam-tang-truong-tot-trong-2018-50-.0229 Ảnh minh họa.

Nhiều kỷ lục được thiết lập

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Trong năm qua, với tinh thần quyết tâm cao, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Dấu ấn nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2018 là: Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008. Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 60 tỷ USD, tăng 3,3 lần so với cách đây 3 năm, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới. Môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, thúc đẩy các kế hoạch đầu tư lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 xác lập kỷ lục mới, với 131.275 doanh nghiệp.

Năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó. Đồng thời, Việt Nam đạt kỷ lục đón 15 triệu lượt khách quốc tế. Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt được con số này, đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch...

Về văn hóa-xã hội, các chính sách xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Huy động nhiều nguồn lực xã hội cho giảm nghèo, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%, riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Năm 2018, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,65 triệu người.

Các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đã giảm số lượng lớn các tổng cục, vụ, cục thuộc bộ và giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tập trung chỉ đạo. Việt Nam tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam năm 2018 với nhiều kỷ lục mới được thiết lập, không chỉ ghi nhận những thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định những cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của Chính phủ. Tạo nền tảng để kinh tế-xã hội nước ta bứt phá trong năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Kinh tế Việt Nam Một trong những thành công của kinh tế Việt Nam 2018 là huy động nhiều nguồn lực xã hội cho giảm nghèo, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Niềm tin mới, khí thế mới

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018, Việt Nam đạt nhiều kỷ lục và toàn diện, đời sống người dân không ngừng cải thiện, nhưng cũng cần nhìn nhận các tồn tại, bất cập. Đó là sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, nhiều địa phương, nhiều ngành chậm thay đổi mô hình tăng trưởng. Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Còn tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi. Một số vấn đề xã hội khác như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội… là những vấn đề cần có biện pháp xử lý, trấn áp mạnh mẽ...

Trong năm 2019, năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng chia sẻ khát vọng đưa đất nước tiến lên, không chịu nghèo đói lạc hậu: “Hệ thống chúng ta, công tác tư tưởng và tổ chức của chúng ta phải phục vụ cho sự vươn lên của dân tộc, không để dân tộc ta yếu kém so với các dân tộc khác trong khu vực châu Á và thậm chí trên toàn cầu. Tinh thần ấy phải được thổi vào các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp”. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý nhưng “tinh thần ở đây là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ năm 2019 được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là, tập trung ưu tiên xử lý một cách căn cơ, bài bản những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như: khoảng cách giàu-nghèo và trình độ phát triển có xu hướng doãng ra; tỷ lệ số hộ cận nghèo, tái nghèo còn lớn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, kể cả trong công sở, bệnh viện, trường học…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi gắm niềm tin, với khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán NSNN năm 2019 (Nghị quyết 01), với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, trong đó có nhiệm vụ: Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ. Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân...

Dự thảo Nghị quyết 01 xác định mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8% thay vì từ 6,6- 6,8%; tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì chỉ tiêu khoảng 4%... Để thực hiện mục tiêu, dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.