Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhường đất cho nhà máy, người dân phải du cư

PV - 09:53, 04/05/2018

Để có mặt bằng phục vụ cho việc triển khai dự án Tổ hợp kim loại đồng Sin Quyền, hơn 50 hộ dân thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã phải di chuyển nhường đất cho dự án.

Tuy nhiên, trong vòng 15 năm qua, các hộ dân này đã phải di cư đến 3 lần nhưng vẫn chưa tìm được nơi ổn định.

15 năm, 3 lần di chuyển

Năm 2003, dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền được khởi công xây dựng trên địa bàn 2 xã Cốc Mỳ và Bản Vược thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là Dự án kim loại màu lớn nhất cả nước với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 khu: Mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng. Để có mặt bằng, hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Bản Vược và Cốc Mỳ đã phải di chuyển nhường đất phục vụ cho dự án.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là có hơn 50 hộ dân ở thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ đã phải di chuyển đến 3 lần khiến cho đời sống bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Ông Lê Minh Tuyên, Trưởng thôn Minh Trang cho biết: Lần di chuyển đầu tiên là vào năm 2003, lúc đó dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền bắt đầu xây dựng. Vị trí di dời cách nơi ở cũ vài trăm mét.

Người dân thôn Minh Trang rất lo lắng trong việc tìm kế sinh nhai khi về nơi ở mới. Người dân thôn Minh Trang rất lo lắng trong việc tìm kế sinh nhai khi về nơi ở mới.

 

Đến năm 2009, dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền chủ trương mở rộng, người dân thôn Minh Trang lại phải di chuyển đến nơi ở mới, cách đó vài trăm mét. Về đây được một thời gian, người dân phải chịu nhiều ảnh hưởng do trong quá trình khai thác mỏ, đã tạo ra lượng bụi quá lớn ảnh hưởng môi trường. Để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân trong thôn, huyện Bát Xát tiếp tục có chủ trương di chuyển các hộ dân lần thứ ba về khu tái định cư mới. Cụ thể, từ tháng 7/2017, các hộ dân thôn Minh Trang được thông báo sẽ di dời đến khu tái định cư mới tại điểm thôn 1 và thôn 3 của xã Bản Vược.

“Về cơ bản thì chúng tôi ủng hộ chủ trương chung của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi rất mệt mỏi vì chỉ hơn chục năm mà phải di chuyển đến 3 lần như vậy rất khó ổn định cuộc sống”, Trưởng thôn Lê Minh Tuyên chia sẻ.

Còn ông Phạm Văn Thuấn cũng là một trong các hộ phải di chuyển không giấu được bức xúc “Chúng tôi thấy lạ là cùng một dự án tại sao các cơ quan chức năng ngay từ đầu không quy hoạch dài hạn, lường trước việc nhà máy sẽ mở rộng quy mô, rồi cả việc khói, bụi tiếng ồn... Để từ đó có cơ sở bố trí bà con xa hẳn khu vực bị ảnh hưởng. Bây giờ phải di chuyển quá nhiều lần thế này, chúng tôi làm sao mà ổn định được”.

Vẫn chưa ổn định

Một vấn đề đáng bàn là, do chuyển đến lần thứ 3 nên người dân Minh Trang rất lo lắng về nơi ở mới này. Chính vì vậy, cả thôn có 58 hộ thì cả 100% số hộ chưa chịu chuyển, mặc dù khu tái định cư thôn 1 đã có mặt bằng cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt như điện, nước...

Theo Trưởng thôn Lê Minh Tuyên, hiện nay 100% các hộ dân Minh Trang đều làm nông nghiệp, không có nghề phụ nào. Trong khi nơi ở mới mỗi hộ chỉ được bố trí đủ đất để làm nhà chứ không bố trí đất sản xuất.

“Đối với các hộ nằm trong danh sách tái định cư tại thôn 1 xã Bản Vược, thì mỗi hộ sẽ được cấp 100m2 đất, với diện tích này chúng tôi chỉ đủ để làm cái nhà để ở thôi. Còn một số hộ được bố trí ở thôn 3 thì nghe nói diện tích sẽ rộng hơn nhưng để sản xuất thì chắc rất khó. Như vậy thì về nơi ở mới sắp tới chúng tôi cũng chưa biết làm gì để sống”, Trưởng thôn cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, chính quyền đã bước đầu tính đến. Cụ thể như ở khu tái định cư thôn 1, xã Bản Vược nằm ngay khu vực cửa khẩu tiểu ngạch; khu vực này luôn có rất đông lao động tự do làm nghề bốc, xếp hàng hóa, rồi hằng ngày có hàng trăm xe chở hàng từ xuôi lên. Chính vì vậy, khi về đây sinh sống bà con có thể mở cửa hàng, quầy tạp hóa buôn bán...

Định hướng là vậy, nhưng theo các hộ dân nơi đây, họ đang rất lo lắng về cuộc sống nơi ở mới. Bởi bao lâu nay họ chỉ quen với ruộng đồng bây giờ bảo đi buôn bán cũng chưa biết buôn cái gì, bán cái gì; mà hàng mấy chục hộ chẳng lẽ nhà nào cũng mở quán bán hàng, nhiều như vậy thì bán cho ai (?). Thiết nghĩ thời gian tới, chính quyền tỉnh Lào Cai cần vào cuộc nghiên cứu đào tạo chuyển đổi nghề cho dân trước khi tái định cư cho họ.

“Quan điểm của chủ đầu tư là hoàn toàn thống nhất với những ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tái định cư cho người dân quanh khu vực nhà máy. Làm sao vừa bảo đảm an toàn cho người dân cũng như thuận lợi cho hoạt động của nhà máy. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng cho hai khu tái định cư thôn 1 và thôn 3, xã Bản Vược. Bên cạnh đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng chúng tôi thực hiện theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện Bát Xát”, ông Đinh Tiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai-Đại diện chủ đầu tư cho biết.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.