Theo thông tin từ UBND xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) vừa cho biết, qua xác minh hiện xã có 50 hộ đồng bào DTTS (chủ yếu là người M’nông và Xtiêng) bán điều non, tổng diện tích hơn 110ha, với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Hầu hết thời hạn bán từ 2-6 năm, cá biệt có hộ bán thời hạn 17, 20 năm. Điển hình như hộ anh Đ.T. ở thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn, bán 3ha, thời hạn 17 năm, giá 90 triệu đồng; hộ anh Đ.M bán gần 6ha và anh Đ.Q. bán 2,2ha cùng thời hạn 20 năm với giá 400 triệu đồng.
Một vị lãnh đạo thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bán điều non và bán rẫy trong vùng đồng bào DTTS là do bà con không biết tính toán làm ăn kinh tế, lười lao động, thích nhậu nhẹt, đặc biệt thích hưởng cuộc sống tiêu xài tốn kém cho việc xây nhà cao cửa rộng, sắm xe hơi, xe máy, điện thoại đắt tiền… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã tiếp cận, tìm cách dụ dỗ đồng bào và nhiều hộ đã “sập bẫy”. “Thấy một số hộ bán điều non có tiền tiêu xài trước mắt đã kéo theo các hộ khác cùng bị dụ dỗ theo. Không ít trường hợp bị dụ bán điều non, bán rẫy để mua xe hơi, nhưng do mua phải xe hơi cũ, chất lượng kém nên sau khi mua chỉ trùm mền để một chỗ”, vị lãnh đạo thôn Sơn Lập nói.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo xã đã ráo riết tuyên truyền đồng bào không bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất; tích cực lao động sản xuất. Ngoài bán điều non, năm 2017, xã Thọ Sơn có 10 hộ sang nhượng hơn 23ha rẫy, trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. “Thực tế có thể nhiều hơn, bởi đối tượng mua dụ dỗ đồng bào rất kín đáo, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thường nói với người bị dụ rằng “đừng cho ai biết”. Điều này được giải thích bởi từ khi có dịch vụ công chứng tư, người dân ít đến UBND xã công chứng giấy tờ, chỉ khi bị “sập bẫy” mới cậy nhờ đến chính quyền giúp đỡ. Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền đến người dân hiểu về tác hại của việc bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… mặt khác xã đề nghị các cơ quan hữu quan vào cuộc nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm vấn nạn nhức nhối này”, ông Bình nói.
Để hạn chế tình trạng trên, tháng 7/2017, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký yêu cầu các cơ quan Nhà nước phối hợp với già làng, Người có uy tín triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương xác định những đối tượng môi giới, dụ dỗ, lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS để mua rẻ điều non và với thời gian dài, cầm cố đất, ép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho vay tiền lãi suất cao đối với đồng bào dân tộc thiểu số; có biện pháp nghiệp vụ để răn đe, xử lý, ngăn chặn. Ngoài ra, các tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh khi công chứng các giao dịch sang nhượng đất phải xác minh nguồn gốc đất. Nếu là đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của Nhà nước thì không được công chứng theo quy định: Cụ thể trong vòng 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác quản lý đất đai; lập danh sách, có biện pháp giáo dục các đối tượng môi giới, cho vay nặng lãi trên địa bàn; nắm chắc tình hình các hộ bán điều non, cầm cố đất để có phương án xử lý kịp thời...
THANH LIÊM