Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhịp chày trên cao nguyên

PV - 11:40, 02/03/2018

Bao đời nay, chiếc cối giã gạo gắn liền với đời sống sinh hoạt và văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắp núi rừng Tây Nguyên đều râm ran, vang động tiếng chày giã gạo nuôi quân.  Dù hôm nay, phương tiện máy xay xát có mặt khắp nơi, nhưng âm thanh thậm thình từ tiếng chày vẫn âm vang trong các buôn làng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội.

Ở Tây Nguyên, việc giã gạo chỉ dành riêng cho phụ nữ. Sau một ngày lên rẫy, chiều về các bà, các mẹ, các cô cùng nhau đến kho lúa của gia đình gùi lúa ra cối giã để có gạo kịp nấu cơm tối và sử dụng ngày hôm sau.

Nếu chiều hôm đó không kịp giã đủ cho cả ngày mai, thì tờ mờ sáng hôm sau, các bà, các cô lại phải thức dậy sớm để giã tiếp kịp nấu cơm sáng và mang lên nương. Vì vậy, mà thời điểm cả làng tập trung giã gạo là vào buổi chiều tối và sáng sớm.

Thi giã gạo, nấu cơm nhanh của phụ nữ Mạ. Thi giã gạo, nấu cơm nhanh của phụ nữ Mạ.

 

Mấy chục năm về trước, hầu như gia đình nào cũng giã hằng ngày, nhưng bây giờ máy xay xát nhiều người không cần giã bằng cối nữa. Tuy nhiên, hầu như trong gia đình nào cũng còn chày cối, thỉnh thoảng mang ra giã gạo làm các món ăn truyền thống như canh bột, lá mì xào… hoặc tham gia các cuộc thi văn hóa, ẩm thực dân gian.

Bà H’Viết Liêng, gần 60 tuổi ở buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) cho hay: để hạt gạo giã ra vỡ đều thì tư thế, cách giã rất quan trọng. Khi giã, hai chân đứng vững bất di, bất dịch, tay cầm chày đặt thẳng trước mặt thực hiện động tác nhấc chày lên, thả xuống nhịp nhàng, uyển chuyển như vũ điệu.

“Canh bột là món ăn truyền thống của người M’nông, bột gạo phải tự tay giã thì nấu canh mới nhuyễn đều, có vị thơm ngọt. Vì vậy, thỉnh thoảng các bà, các mẹ trong các buôn vẫn mang chày cối ra giã gạo”, bà H’Viết Liêng chia sẻ.

Xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk là nơi lưu giữ đặc trưng văn hóa Ê-đê, bởi nơi đây có tới 98% người dân là đồng bào dân tộc Ê-đê sinh sống. Xã Ea Tul thường xuyên được huyện, tỉnh chọn làm nơi tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Ê-đê. Ngoài ra, hằng năm, tại các buôn trong xã vẫn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống. Trong Ngày hội văn hóa dân tộc Ê-đê được tổ chức tại xã Ea Tul, bao giờ cũng có cuộc thi phụ nữ giã gạo, nấu ăn…

Bà H’Len Niê-một người say mê văn hóa Ê-đê đã sưu tầm vài chục chiếc cối giã gạo cũ trong các buôn làng về lưu giữ. Bà H’Len cho biết: Người Tây Nguyên xem cối là vật thiêng, được dùng làm của hồi môn và trân trọng giữ gìn như vật quý giá, lưu giữ hết đời này sang đời khác.

Cối giã gạo của đồng bào Tây Nguyên được làm từ cây tơnung, còn gọi là cây lộc vừng cạn. Ưu điểm của loại cây này là khi còn tươi rất dẻo, thuận lợi cho việc đục đẽo tạo dáng, nhưng khi khô thì rắn như đá nên cối không bị vỡ. Khi chế tác cối, người ta cắt một khúc gỗ cao tầm 0,3-0,4m rồi dùng rìu đẽo vào ruột gỗ.

Để tạo lòng cối, người chế tác phải đẽo nhiều lần. Mỗi lần đẽo, phải bỏ vào miệng cối một ít than củi đang cháy rồi tiếp tục đục đến khi có độ sâu ưng ý thì thôi. Cối được chạm khắc hoa văn ở thành ngoài và phía trên miệng cối, hoa văn đa dạng tùy theo cảm hứng của người chế tác.

Mỗi cối có hai chiếc chày, được làm bằng gỗ cây kơnia hoặc cây hương, dài chừng 1,5m, to tròn bằng bắp chân người trưởng thành. Giữa thân chày có khắc sâu thêm vài vòng tròn để khi cầm không bị trơn.

Đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, hội Xuân thường được tổ chức thường niên vào đầu năm mới, sau Tết Nguyên đán. Hội Xuân là nơi hội tụ văn hóa các dân tộc trên địa bàn cùng tham gia, mỗi dân tộc mang đến những cái hay, cái đẹp truyền thống của dân tộc mình tạo cho ngày hội nhiều sắc màu đặc sắc.

Phần thi giã gạo, nấu cơm nhanh không thể thiếu trong hoạt động văn hóa ngày hội. Phần thi này bao giờ cũng mang đến cho hội Xuân không khí sôi nổi, hào hứng cho cả người thi và người cổ vũ.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.