Ngộ độc vì rượu ngâm lẫn lộn
Từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở về, mấy ngày nay, anh Lê Văn Thìn ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa vẫn còn nôn nao, ám ảnh mỗi khi nghĩ đến bình rượu ngâm thập cẩm của mình. Nghe mách nước của một số người quen, anh Thìn ngâm rắn hổ mang lẫn với bào ngư, cá ngựa trong 4 tháng, sau đó lấy ra dùng liên tục trong gần một tuần lễ. Uống xong thấy đầu óc quay cuồng, nôn ói rồi tức ngực và tiêu chảy liên tục. Anh được người nhà chuyển đến bệnh viện và được các bác sĩ cứu chữa kịp thời, thoát khỏi nguy kịch bị ngộ độc từ các loại động vật ngâm trong rượu.
Tương tự anh Thìn, ông Nguyễn Văn Quốc ở đường 2/4 (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) ngâm hổ lốn cả bìm bịp lẫn hải sâm, chỉ vài tháng đã lấy ra uống và phải nhập viện. Ông Quốc cho hay, một số người quen đã dùng nội tạng động vật, một số cây cỏ để ngâm rượu có công dụng bổ dưỡng, bổ dương, trị bệnh. Vậy nên khi được giới thiệu, ông cũng đem nhiều loại còn nguyên con, nguyên cây, nguyên củ để ngâm rượu uống. Trước đây, uống rắn, rết, bò cạp vẫn không sao, nhưng gần Tết Kỷ Hợi, ông uống rượu ngâm bìm bịp với hải sâm thì bị ngộ độc. May mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy kịch đến tính mạng.
Chưa rõ cách sơ chế, định lượng, công dụng của cây mật nhân ngâm chung với đinh lăng, sâm dây, nhưng ông Nguyễn Thành ở Cư Kuin (huyện Cư Kuin, Đăk Lăk) cũng đổ tất cả vào hũ lớn ngâm rượu để uống Tết. Trước khi rót ra để đi biếu cho người thân, ông Thành dùng thử mấy ngày thì bị ngộ độc. Một số người quen của ông Thành cũng phải nhập viện do uống mật cá trắm với rượu gạo vì nghe mách nước có thể chữa được đau bụng, đau lưng, hen suyễn, suy nhược cơ thể, tăng cường sinh lực... Ông Thành cho biết, ở hầu hết các vùng nông thôn, vào dịp Tết, người dân càng sưu tầm nhiều loại rượu thực vật để uống, đa số đều tự chế biến, tự ngâm. Khi nhập viện, được các bác sĩ tư vấn, căn dặn mới hiểu rõ mức độ nguy hại của việc ngâm rượu thập cẩm và uống bừa bãi.
Cẩn trọng để tránh tác hại
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đăk Lăk, hầu hết các ca ngộ độc rượu ngâm vì dùng không đúng cách. Nạn nhân đều mù mờ thông tin về thứ rượu mình đang dùng, điều này là rất nguy hiểm. Có những loại động-thực vật có thể ngâm chung, nhưng cũng có loại tuyệt đối phải ngâm riêng, vì khi ngâm chung sẽ dễ gây ra ngộ độc khi uống.
Khi có triệu chứng khác thường, người dân nên đến cơ sở y tế để khám kịp thời. Thực tế cho thấy, nhiều người uống rượu ngâm vô tội vạ suốt thời gian dài đã dẫn đến tình trạng sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan-ruột. Nếu trường hợp nặng, có thể thoái hóa gan, xơ gan, rối loạn tinh thần. Vậy nên lựa chọn vị thuốc hay động vật, thực vật nào để ngâm rượu cũng hết sức cẩn thận.
Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y Đăk Lăk nhận định, dù là vị thuốc tốt nhưng nếu ngâm chung vô tội vạ, uống bừa bãi thì nguy cơ ngộ độc rất cao. Ví dụ như các loại cây có vị đắng, nhiều người béo nghĩ có tác dụng tiêu mỡ nên uống liên tục là không tốt, gây tác hại gan. Hay việc ngâm nhân sâm với đinh lăng không đúng cách cũng sẽ sản sinh ra độc tố.
Để không lâm cảnh nguy kịch, người dân không uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc. Khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc Tây thì không uống rượu ngâm. Đặc biệt nên cảnh giác với các loại rượu có nồng độ cồn quá cao, vì những loại rượu này dễ gây ngộ độc hoặc dẫn đến mù lòa.
HÀ VĂN ĐẠO