Trò chuyện với chúng tôi, ông Thân chia sẻ: Năm 1987 tôi xung phong đi làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Sau 3 năm ở chiến trường Lào, năm 1990 hoàn thành nghĩa vụ tôi ra quân trở về địa phương sinh sống. Về gia đình, bản làng sinh sống trong điều kiện cuộc sống hết sức khó khăn. Năm nào mưa thuận gió hòa thì bản làng ấm no, năm nào thời tiết không ủng hộ bà con lại thất bát, phải vào rừng đào củ mài, củ sắn, chặt củi đi bán lấy tiền mua gạo… Cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới xin của bà con đã khiến ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để thoát nghèo?
Vì vậy, ông đã làm đủ nghề, từ chặt mía thuê cho đến việc vào rừng khai thác cây mét chở đi hàng chục cây số để bán kiếm tiền mua gạo giúp đỡ mẹ cha nuôi các em ăn học. Thế nhưng rừng chặt mãi cũng hết. Ông quyết định đi vay mượn anh em họ hàng được 5 triệu đồng để mua máy xát gạo. Và cuộc sống của gia đình ông thay đổi từ đây. Từ khi có máy xát gạo, gia đình nuôi thêm được lợn gà, có thời điểm nuôi được gần 20 con lợn bán được số tiền khá lớn, cuộc sống gia đình bắt đầu bớt khó khăn.
Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào cái máy xát gạo thì cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều bấp bênh, vì thế khi Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho hộ gia đình khoanh nuôi và bảo vệ, ông bàn với vợ làm đơn xin nhận 30 ha rừng trong xã để bảo vệ và sản xuất.
Với bản tính chịu khó ham làm, sau một thời gian, 30 ha đất rừng được vợ chồng ông cải tạo thành rừng keo bạt ngàn. Lứa keo đầu tiên ông bán được hơn 100 triệu đồng. Không dừng ở đó, nhận thấy dòng suối chảy qua khu rừng trồng của mình có thể ngăn lại làm ao thả cá và chứa nước phục vụ tưới tiêu, nên ông đã xin chính quyền xã cho phép gia đình đắp đập ngăn nước để làm ao thả cá. Sau gần 2 năm cải tạo trung bình mỗi năm gia đình ông thu lợi hơn 30 triệu đồng từ tiền bán cá.
Mô hình VAR lần đầu tiên được hình thành trên đất xã Nghĩa Dũng. Với trồng rừng, nuôi cá, nuôi trâu bò, lợn gà mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình gần 400 triệu đồng. Nhờ sự năng động trong làm kinh tế và trong hoạt động xã hội, năm 2007 ông được kết nạp vào Đảng và được người dân xóm Đồng Thờ tín nhiệm bầu ông làm Người có uy tín, làm xóm trưởng cho đến nay.
Với cương vị là Người có uy tín, xóm trưởng, là đảng viên ông Hà Văn Thân đã cùng cấp ủy, Chi bộ xóm Đồng Thờ tận tình hướng dẫn người dân cách làm ăn, đồng thời tự nguyện giúp các hộ nghèo vay vốn không tính lãi để có nguồn vốn phát triển kinh tế. Tính đến nay ông Thân đã cho khoảng chục hộ vay không tính lãi, với số tiền 15 triệu đồng/hộ, trong số đó có 6 hộ đã thoát nghèo.
Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Thân đã đến từng nhà, gặp gỡ từng người động viên bà con cùng góp công, góp sức tham gia. Nhờ vậy, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công làm con đường bê tông khang trang sạch đẹp. Ông chia sẻ: “Muốn người dân hiểu và làm theo thì bản thân mình phải luôn gương mẫu đi đầu, đó không chỉ là trong lời nói mà phải bằng hành động, việc làm cụ thể”.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế cũng như những đóng góp của ông cho bà con nhân dân và cho xã hội, vừa qua, tại Hội nghị điển hình tiên tiến của huyện Tân Kỳ, ông Thân được biểu dương là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu để bà con học tập, noi theo.
MINH THỨ