Tài sản khi về hưuCăn nhà nhỏ bé của ông Bùi Đình Thăng (sinh năm 1932) nằm bình lặng và giản dị trong một con ngõ dài. Trong căn nhà ấy, thứ gì cũng cũ: bàn ghế, giường tủ đã bay đi lớp sơn son, sách báo xưa đã ố màu năm tháng, chỉ có trái tim yêu sách của người lính già là vẫn tươi nguyên như ngày nào.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng quê thuần nông Hưng Yên, thế nhưng từ nhỏ ông Thăng lại tỏ ra là một người thông minh, hiếu học. Ông học rất giỏi và đặc biệt là rất mê đọc sách. Nhiều lần mải đọc sách, ông quên cả ăn uống, thậm chí quên đường về, vì vừa đi vừa đọc nên… lạc đường.
Năm 1951, ông Thăng nhập ngũ vào Trung đoàn 42 thuộc Quân khu 3. Một thời gian sau, ông lại chuyển về Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không Không quân và trở thành một cán bộ tổ chức ở sân bay. Ở trong một môi trường nghiêm khắc như quân đội, lại đang trong thời kỳ chiến tranh nhưng ông Thăng vẫn giữ cho mình niềm say mê đọc sách. Cứ mỗi lần lĩnh lương, ông lại dùng một phần tiền để mua sách.
Đọc nhiều sách, hiểu biết nhiều vấn đề xã hội, ông Thăng được cấp trên tín nhiệm giao cho công việc chữ nghĩa, văn chương. Năm 1961, ông được cử đi học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi trở về làm giáo viên văn hóa trong quân đội, phụ trách dạy bổ túc văn hóa lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) cho các cán bộ đi học nước ngoài tại Tổng cục Chính trị. Đây chính là thời kỳ mà ông Thăng được tiếp xúc và đọc nhiều sách báo nhất, cả ở trong và ngoài nước.
Năm 1982, sau hơn 30 năm phục vụ cho quân đội, ông Thăng về hưu với tài sản là những quyển sách mà mấy mươi năm ông nâng niu, gìn giữ như báu vật.
Đau đáu nỗi niềmNgày về quê hương, nhìn con cháu học hành thiếu thốn sách vở mà trong xã không có thư viện cũng chẳng có nhà văn hóa, ông Thăng nảy ra ý tưởng làm một thư viện cho mọi người đọc miễn phí. Lúc ấy, kinh tế gia đình còn khó khăn nên nhiều thanh viên đã phản đối. Thế nhưng, ông Thăng vẫn cứ nhất quyết làm cho bằng được.
Để bổ sung nguồn sách, ông Thăng bỏ tiền túi ra mua , rồi chạy vạy khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan đoàn thế xin sách báo cũ. Không có tiền mua giá sách, ông đi xin gốc cây về đẽo gọt tự đóng thành bàn, ghế, tủ, kệ. Sau đó, ông bàn với vợ gom góp tiền bạc để xây nhà mới. Nhà xây xong, ông bàn tiếp phải dành để… chứa sách.
Có nhà, có sách nhưng làm sao để người dân tới đọc? Ông Thăng suy nghĩ rồi quyết định đi từng nhà để vận động. Ai không tới được thì ông mang sách đến tận nhà cho đọc. Người dân Đoàn Đào ban đầu bật cười với cách hành xử lạ lùng của ông, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã cảm nhận được thịnh tình của người cựu chiến binh. Thế rồi những câu chuyện hữu ích, thiết thực về nấu ăn, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn tổ ấm đến sách tri thức, văn học… đã kéo người dân, học sinh đến ngày càng đông hơn với thư viện của ông.
Tiếng lành đồn xa, người yêu sách ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định thậm chí ở cả các tỉnh miền núi xa xôi như Hòa Bình, Thanh Hóa… cũng tìm đến. Nhà ông Thăng chật kín khách ra vào. Có hôm mọi người phải xếp hàng chờ đợi nhau.
Rồi thư viện của ông cũng nhận được “tiếp sức” từ nhiều cơ quan đoàn thể. Chẳng hạn như Thư viện Quốc gia đã tặng cho ông hơn 500 quyển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tặng 615 quyển, Thư viện tỉnh Hưng Yên luân chuyển cho 3600 quyển… Tính đến nay, tổng số sách của thư viện ông là 8.163 quyển, cộng thêm 59 loại báo và tạp chí. Trong 25 năm qua, thư viện đã phục vụ cho hơn 47 nghìn lượt đọc và mượn sách.
Ngồi trong căn nhà nhỏ bề bộn sách báo, ông Thăng cho biết những năm gần đây sức khỏe ông đã giảm sút nhiều. Tuổi già nhiều bệnh tật, chính ông cũng không dám chắc chắn với chính mình. Thế nhưng việc điều hành, quản lý thư viện thì lại không biết giao phó cho ai. Nhìn người cựu chiến binh già tóc trắng lưa thưa, vóc người nhỏ bé nhưng vẫn còn nặng lòng với sách vở chữ nghĩa, nghĩ đến hai chữ “mai sau” mà không khỏi nhói lòng.
THIÊN ĐỨC