Những đổi thay của thôn Phiêng Lủng có công lao không nhỏ của ông Đào Văn San. Từng nhiều năm liền được bà con dân bản tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, lại là Người có uy tín của thôn Phiêng Lủng, với kinh nghiệm trong công tác vận động, ông San nói dân tin, làm dân theo.
Thôn Phiêng Lủng cách trung tâm xã Bộc Bố 3km gồm 27 hộ đồng bào dân tộc Mông. Là Người có uy tín, ông San luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào địa phương. Ông chủ động phối hợp cùng Bí thư Chi bộ đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát động các phong trào ở địa phương.
Với trách nhiệm của một đảng viên, nhận thấy bà con trong thôn còn khó khăn, nghèo đói, ông San nghĩ: Mình phải đi tiên phong làm gương xóa đói giảm nghèo, như vậy, vận động đồng bào mới tin, mới nghe theo. Năm 2002, ông xuống Chợ Đồn tìm giống ngô mới mang về trồng thử nghiệm trên đất Phiêng Lủng và đã có hiệu quả rõ rệt. Năng suất ngô tăng gần gấp đôi so với trước. Ông còn đào ao, thả cá, chăn nuôi bò thịt, đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng. Bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng.
Có điều kiện kinh tế, ông cấp giống ngô, cho vay vốn, hướng dẫn bà con trong bản trồng giống ngô mới. Thấy hiệu quả từ mô hình canh tác của nhà ông San, bà con bỏ hẳn giống ngô cũ năng suất thấp, trồng giống ngô mới. Ông bày cách cho người dân trong thôn trồng cỏ, nuôi bò và đã có người làm giàu nhờ nuôi bò thịt.
Anh Đào Ngọc Hội, người dân Phiêng Lủng bày tỏ: Nhờ có bác San, chúng tôi bỏ hẳn giống ngô cũ, năng suất thấp sang trồng giống ngô lai mới, cho năng suất cao hơn trước. Ngoài ra, bác San còn cùng các anh chị trong Hội Nông dân xã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi bò thịt.
Nhờ chịu khó làm ăn nên gia đình tôi đã phát triển đàn bò lên 12 con, trị giá hàng trăm triệu đồng. “Ở Phiêng Lủng, nhiều người chịu ơn bác San lắm!” , anh Hội khẳng định. Ông San nhớ lại: Năm 2009, nhận thấy một số người dân trong thôn có ý định du canh, du cư, ông San lại đến nhà vận động bà con ở lại.
Ông bàn với Trưởng thôn Phiêng Lủng huy động thanh niên trong thôn thực hiện khai hoang được 2,5ha đất để trồng lúa nước; tận dụng các bãi chăn thả gia súc khai hoang làm đất trồng cỏ nuôi bò. Nhờ đó, những hộ định bỏ đi trước đây đều ở lại, tiếp tục làm ăn, sinh sống.
Năm 2014, Phiêng Lủng chưa có điện lưới, người dân có nhu cầu thì phải mua máy phát điện mini, nhưng loại máy phát điện này chạy rất tốn dầu. Ông San lại bàn với Trưởng thôn Sùng Văn Ky tổ chức họp thôn, vận động bà con trong thôn (mỗi hộ đóng hai triệu đồng) để kéo điện lưới về cho thôn.
Phiêng Lủng đang có cuộc sống đổi thay từng ngày, người dân từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước và những đóng góp của cá nhân ông Đào Văn San. Việc chuyển đổi cây ngô, chăn nuôi gia súc… đã góp phần giúp cuộc sống của đồng bào Phiêng Lủng thay đổi rõ rệt. Đằng sau thành công ấy luôn thấp thoáng bóng dáng của Người có uy tín, Trưởng ban Công tác Mặt trận Đào Văn San.
Từ thôn nghèo khó của một huyện nghèo nhất tỉnh Bắc Kạn, với những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của người đảng viên, ông Đào Văn San đã đưa Phiêng Lủng đổi thay từng ngày. Ghi nhận những công lao, đóng góp của ông, UBND huyện Pắc Nặm đã trao tặng ông nhiều Giấy khen.
MINH THU