Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân Nậm Đăm làm du lịch

PV - 13:51, 29/05/2018

Mang gùi ra vườn hái dưa, bà Lý Thị Néo (60 tuổi) còn đeo lủng lẳng cái túi đựng điện thoại bé xíu bằng vải thổ cẩm trước ngực.

Lom khom hái những trái dưa chuột  trong tán lá, điện thoại chợt réo rắt đổ chuông, bà Néo móc túi lấy điện thoại ra: “A lô, nhà Lý Tà Dồn đây. Tôi là mẹ của Dồn. 3 khách đặt cơm tối à? Được rồi. Cảm ơn quý khách!”... bà Néo cất điện thoại rồi quay ra nói: Cô thấy không thời buổi hiện đại, chỉ cần mỗi cuộc điện thoại là đã xong bữa cơm tối cho khách.

Khi homestay kết nối internet

Điện thoại kết nối internet bằng sóng wifi luôn được bà con mang theo bên người để cập nhật thông tin nhu cầu thăm quan, trải nghiệm mô hình homestay của khách du lịch, hình ảnh đó đã trở nên phổ biến đối với người dân tộc Dao ở Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).

Toàn cảnh Làng văn hóa-du lịch cộng đồng Nậm Đăm. Toàn cảnh Làng văn hóa-du lịch cộng đồng Nậm Đăm.

 

Anh Lý Quốc Thắng, một trong 10 chủ hộ gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay) từ 6 năm nay cho biết, tham gia dự án “Du lịch vì người nghèo tại thôn Nậm Đăm” do tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) triển khai, gia đình anh được hỗ trợ kinh phí cải tạo lại nhà ở và xây dựng 2 công trình nhà vệ sinh để làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Cán bộ Dự án còn hướng dẫn người dân quy hoạch lại hệ thống chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm; đưa chuồng trại ra xa ngoài vườn để giữ vệ sinh môi trường.

“Chúng tôi còn được cán bộ Dự án hướng dẫn cách lập trang web, trang Fabook cá nhân nhằm tự quảng bá mô hình du lịch cộng đồng của gia đình mình. Nhờ kết nối mạng internet, nhiều khách du lịch trong nước và người nước ngoài đã biết đến mô hình homestay ở Nậm Đăm. Họ chủ động liên lạc với chúng tôi trên mạng hoặc qua điện thoại để đặt lịch đến thăm quan, nghỉ lưu trú tại bản, rất thuận tiện”, anh Thắng thông tin.

Hiện nay, gia đình anh Lý Quốc Thắng có 2 ngôi nhà sàn trình tường, tầng trệt để ở, tầng 2 thiết kế thành những căn phòng nhỏ phục vụ nhu cầu nghỉ lưu trú của khách du lịch. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh đón từ 80-100 lượt khách du lịch đến thăm quan, nghỉ lưu trú tại nhà, trong đó khách nước ngoài chiếm từ 70-80%. Vì không biết ngoại ngữ nên khi giao tiếp với khách nước ngoài, anh Thắng thường sử dụng điện thoại để nhờ google dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. “Ở bản Nậm Đăm, nhà nào làm homestay cũng đều kết nối internet qua sóng wifi để phục vụ nhu cầu truy cập mạng của khách du lịch, vừa để sử dụng công cụ google dịch trao đổi, giao tiếp với khách du lịch”, anh Thắng cho biết.

Du khách nước ngoài nghỉ lưu trú tại thôn Nậm Đăm và trải nghiệm du lịch sinh thái tại xã Quản Bạ. Du khách nước ngoài nghỉ lưu trú tại thôn Nậm Đăm và trải nghiệm du lịch sinh thái tại xã Quản Bạ.

 

Bên cạnh homestay của anh Lý Quốc Thắng là các homestay của Lý Tà Đạt, Lý Tà Hàn, Lý Tà Dồn. Nhà nào cũng kết nối internet để khai thác phục vụ làm du lịch cộng đồng. Anh Lý Tà Đạt, chủ homestay có 5 phòng nghỉ (gồm 3 phòng riêng, 2 phòng chung) là người đầu tiên của thôn Nậm Đăm tham gia làm du lịch cộng đồng từ năm 2012. Qua 7 năm làm dịch vụ homestay, nhờ việc kết nối với các công ty du lịch đóng tại Hà Nội và tự quảng bá trên mạng internet, gia đình Lý Tà Đạt có lượng khách đến nghỉ lưu trú ổn định hằng tháng với 30-40 lượt khách, giá ăn ngủ 220.000 đồng/ngày. Trừ các khoản chi phí, gia đình có nguồn thu ổn định từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Bản làng đổi thay

Có thể khẳng định, từ khi người dân thôn Nậm Đăm tham gia làm du lịch cộng đồng đã mang đến cho bản làng một diện mạo mới-một nét đẹp hài hòa giữa phong cách truyền thống kết hợp hiện đại. Toàn thôn Nậm Đăm có 52/52 hộ gia đình vẫn giữ được nếp nhà trình tường truyền thống của người Dao với mái lợp ngói âm dương cổ kính đượm màu thời gian. Qua gần 7 năm triển khai Dự án Du lịch vì người nghèo tại thôn Nậm Đăm (2012-2018), mặc dù mới có 10 hộ làm homestay nhưng hầu hết các hộ dân trong thôn đều gián tiếp tham gia làm du lịch như: thêu may đồ thổ cẩm để bán cho du khách; tham gia biểu diễn văn nghệ; nuôi lợn, gà, trồng rau, quả bán cho các gia đình làm homestay…

Thôn Nậm Đăm có hệ thống đường nội bộ khang trang, sạch sẽ. Thôn Nậm Đăm có hệ thống đường nội bộ khang trang, sạch sẽ.

 

Đối với 10 hộ dân tham gia làm homestay đều có khuôn viên nhà ở đẹp đẽ, thoáng mát với hệ thống vườn-chuồng được quy hoạch quy củ; từ cổng vào trong nhà đều sạch sẽ, ngăn nắp, tinh tươm; trước sân được trồng những khóm hoa hồng, hương hoa thơm dìu dịu theo gió bay vào tận hiên nhà. Còn người dân trong thôn vẫn giữ thói quen mặc quần áo truyền thống. Họ chủ động, tự tin, thân thiện và cởi mở trong giao tiếp, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm tại bản làng. Ông Berna Muy-rông, khách du lịch người Pháp chia sẻ: “Không gian ở đây thật tuyệt vời, đặc biệt là khí hậu và nét văn hóa của con người ở đây. Bạn có thể nhìn thấy những kiến trúc văn hóa của một dân tộc, đời sống, ẩm thực của họ một cách chân thực. Đó là điều ai cũng muốn khi bắt đầu hành trình trải nghiệm ở một nơi nào đó”.

Nhận thức được lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng nên người dân Nậm Đăm có ý thức rất cao trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như trang phục, lễ hội (Lễ Cấp sắc, lễ cúng Cơm mới, lễ hội Cầu mùa…); gìn giữ những câu hát đối đáp, giao duyên, hát mừng đám cưới…

Ngày 10/11/2017, người dân thôn Nậm Đăm vinh dự được trao chứng nhận “ASEAN Homstay Standard”. a“Dao Homestay” được chứng nhận đủ tiêu chuẩn ASEAN về phục vụ du khách là một tín hiệu đáng mừng về quy mô và sự chuyên nghiệp hóa cao trong phát triển du lịch địa phương.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.