Từng là người lính cụ Hồ, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Lô Văn Chủng bắt tay vào phát triển kinh tế cho gia đình. Với phương châm kinh tế “lấy ngắn nuôi dài, góp gió thành bão”, ông đã bàn bạc với gia đình cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây keo, xoan, củng cố lại chuồng trại để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Với những mảnh đất tốt hơn, các loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, sắn để có lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi.
Hiện nay, gia đình ông đã có đàn trâu, bò hơn chục con. Thu nhập từ phát triển chăn nuôi và trồng trọt đạt hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Chủng đang thử nghiệm đưa 2.000 cây đẳng sâm về trồng, đây là cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao. Ông nhẩm tính, khoảng hai năm rưỡi, đẳng sâm sẽ cho thu hoạch với sản lượng khoảng 7 tạ, giá 1kg đẳng sâm bán được 500 ngàn đồng sẽ đem lại thu nhập cho gia đình hơn 350 triệu đồng.
Là Người có uy tín, ông luôn phát huy vai trò của mình xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối, đoàn kết phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, ông còn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn để thoát nghèo, có của ăn của để như gia đình anh Lũ Văn Mão, Lương Văn Thắng…
Anh Quang Văn Kim người được ông Chủng hướng dẫn cách làm kinh tế cho biết: Nhờ ông Chủng động viên, hướng dẫn cách chăn nuôi trâu, bò, trồng keo, quế và đẳng sâm mà năm vừa qua, gia đình anh đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Nhận xét về Người có uy tín Lô Minh Chủng, bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: Bản Ăng có 68 hộ dân, hiện đã được công nhận là bản văn hóa của xã. Những năm qua, nhờ có vai trò, trách nhiệm trong công tác vận động, tuyên truyền của ông Lô Minh Chủng mà các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền kịp thời tới người dân. Bà con nơi đây rất trách nhiệm trong bảo vệ rừng và đoàn kết giữ vững đường biên, cột mốc biên giới Quốc gia, luôn dẫn đầu trong phát triển kinh tế của xã.
MNH THỨ