Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghịch lý thiếu-thừa đất sản xuất

PV - 16:26, 20/07/2018

Từ năm 2002 đến nay, nhiều quyết định triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo đã được ban hành. Tuy vậy, sau nhiều năm, các địa phương vẫn mải miết đuổi theo mục tiêu bố trí đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS có nhu cầu.

Bài 4: Hành trình bất tận?

Đuổi theo mục tiêu

Năm 2002, theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước có khoảng 421.405 hộ đồng bào DTTS không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo; mục tiêu đến hết năm 2003 cơ bản giải quyết xong đất cho hộ đồng bào DTTS tại chỗ chưa có đất hoặc chưa có đủ đất sản xuất và chưa có đất ở.

Hết hạn nhưng mục tiêu không đạt, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành liên quan, ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Mục tiêu hết năm 2006 sẽ hoàn thành cơ bản mục tiêu giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu.

đất sản xuất Giải quyết tốt chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất sẽ giúp đồng bào DTTS nghèo sớm ổn định cuộc sống. Ảnh MH

Ngày 21/4/2009, Hội nghị Tổng kết chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg và 134/2004/QĐ-TTg được tổ chức. Kết quả, từ 2002-2008, các địa phương đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được 210.377 hộ, đạt 49,9% so với tổng số hộ thiếu đất theo kế hoạch đã được phê duyệt. Sau rà soát, tổng số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất tại thời điểm năm 2008 là 347.457 hộ.

Kiên trì mục tiêu, giai đoạn 2009-2011, thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Nhưng dường như đây là một hành trình bất tận khi càng thực hiện hỗ trợ thì số lượng hộ thiếu đất gần như không giảm.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại phiên họp chiều 13/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến tháng 9/2012, cộng đồng các DTTS cả nước vẫn còn khoảng 32 nghìn hộ thiếu đất ở, khoảng 329 nghìn hộ thiếu đất sản xuất. Như vậy, so với thời điểm 2008 thì số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất gần tương đương nhau.

Giai đoạn 2012-2016, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo tiếp tục được triển khai tại nhiều quyết định, trong đó có Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; Quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013,... Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn được lồng ghép thực hiện trong các Quyết định 1342/QĐ-TTg và Quyết định số 33/QĐ-TTg về chính sách định canh định cư.

Tuy vậy, mục tiêu hoàn thành hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo vẫn không đạt. Tại phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2019 diễn ra ngày 7/6/2018, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) đã đưa ra con số: hiện cả nước còn trên 80.000 hộ thiếu đất ở, 221.000 hộ thiếu đất sản xuất.

“Liệu cơm gắp mắm”?

Như vậy, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo được thực hiện liên tiếp từ năm 2002 đến nay nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất dường như vẫn là bài toán khó giải. Nếu nhìn trực quan thì sau 16 năm, cả nước mới giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 1/3 tổng số hộ có nhu cầu (hiện vẫn còn hơn 300 nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; trước đó năm 2002 là 421.405 hộ).

đất sản xuất Giải quyết đất sản xuất vẫn là bài toán khó.

Để cấp đất cho đồng bào DTTS nghèo có nhu cầu thì điều kiện quan trọng nhất là phải có quỹ đất. Nhưng khi triển khai, hầu như địa phương nào cũng than quỹ đất không còn. Trong khi đó, như các số báo trước đã phản ánh, rất nhiều diện tích đất rừng do các công ty lâm nghiệp đang quản lý không hiệu quả; hàng trăm nghìn ha đất lâm nghiệp được giao cho doanh nghiệp nhưng lại bỏ hoang;… Vậy tại sao không quyết liệt thu hồi để giải bài toán quỹ đất?

Cũng cần nói thêm rằng, với tình trạng di dịch cư tự do chưa được giải quyết triệt để như hiện nay thì việc địa phương này thiếu đất, địa phương khác thừa đất là khó tránh khỏi. Cùng với đó, tình trạng người dân được cấp đất ở, đất sản xuất nhưng vì nhiều lý do đã đem cầm cố, chuyển nhượng cũng là một nguyên nhân khiến việc hỗ trợ người dân có đất ở, đất sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Một vấn đề cũng phải được thẳng thắn nhìn nhận là, từ năm 2002 đến nay, dù có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được triển khai liên tục nhưng lại không được bố trí đúng, đủ, kịp thời vốn thực hiện. Như việc thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, sau 4 năm (2004-2008) chỉ có 43% số hộ nghèo, hộ DTTS đời sống khó khăn được hỗ trợ đất sản xuất theo yêu cầu. Nguyên nhân một phần là do nguồn lực bố trí thiếu. Tính đến hết năm 2008, tổng kinh phí thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg là 144,6 tỷ đồng, chỉ đạt 47,6% kế hoạch vốn đề ra.

Ngay việc thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 cũng vậy. Tờ trình số 02/TTr-UBDT ngày 06/1/2016 của Ủy ban Dân tộc đã chỉ rõ, tính đến tháng 12/2015, tổng ngân sách Trung ương cấp để thực hiện QĐ 755 là 2.302 tỷ đồng, mới chỉ đạt 20,8% tổng nhu cầu vốn.

Từ năm 2017, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được tích hợp trong Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Nhưng đến thời điểm này, vốn thực hiện vẫn là con số “không” tròn trĩnh.

Vốn thiếu, bố trí không kịp thời khiến các địa phương khó khăn khi triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, thậm chí buộc phải “liệu cơm gắp mắm”. Như ở Nghệ An, tổng nhu cầu vốn thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg là hơn 241,4 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 29 tỷ đồng. Do đó, tỉnh này chỉ có thể đầu tư một số công trình hạ tầng, còn nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thì phải gác lại. Với việc thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg cũng vậy, tổng nhu cầu vốn để thực hiện của tỉnh là hơn 618,7 tỷ đồng; nhưng trong 3 năm (2014,2015,2016), tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Nghệ An chỉ được 48 tỷ đồng.

Những phân tích nêu trên cho thấy rõ những “điểm nghẽn” trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong thời gian qua. Để “gỡ”, nhiều địa phương đã chú trọng chuyển đổi nghề cho phù hợp; tuy nhiên việc chuyển đổi nghề cũng chưa thực sự giúp hộ nghèo, hộ DTTS đời sống khó khăn. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo được liên tiếp thực hiện từ năm 2002 đến nay nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất dường như vẫn là bài toán khó giải. Nếu nhìn trực quan thì sau 16 năm, cả nước mới giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 1/3 tổng số hộ có nhu cầu (hiện vẫn còn hơn 300 nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; trước đó năm 2002 là 421.405 hộ).

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.