Sinh năm 1986, Đào Văn Thắng từng học trắc địa công trình ở Hà Nội ra đi làm được 2 năm, rồi chuyển sang làm ở một ngân hàng lớn. Năm 2014, khi công việc đang yên ổn, Thắng bỏ về quê nuôi chạch quế. Diện tích 3 ao nuôi được xử lý kỹ bằng vôi bột và men vi sinh trước khi thả chạch.
Ban đầu anh Thắng mua 5.000 con chạch giống ở Nam Định với giá 3 triệu đồng, thả trên diện tích 2.500m2 mặt nước. Thấy chạch sinh trưởng tốt, anh đẩy mật độ lên nhiều hơn; với 40.000 con giống sau 5 tháng Thắng thu hoạch được 1,4 tấn chạch thương phẩm, cho thu nhập gần 120 triệu đồng. Anh Thắng cho biết, chạch có sức đề kháng cao, quá trình nuôi cũng không phức tạp và đầu ra rất ổn định.
Hiện nay, ngoài nuôi chạch thương phẩm, anh Thắng đã dành một ao nuôi chạch sinh sản thành công. “Để cho chạch đẻ phải chọn con cái và đực khỏe mạnh, vớt nuôi riêng vào một bể. Khi chạch đẻ xong phải vớt trứng ra đưa vào lồng ấp, khoảng 3 ngày chạch nở. Ngay khi kích thước chạch bằng sợi tóc là có thể thả ngay ra ao nuôi”, anh Đào Văn Thắng chia sẻ.
Thức ăn hằng ngày của cá chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nhỏ; Môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm ao nuôi.
Nghệ An đang phát triển mạnh các mô hình nuôi thủy sản. Thế nhưng con chạch quế hoàn toàn mới mẻ và anh Thắng là người đầu tiên nuôi thành công chạch sinh sản.
Theo anh Thắng, chạch quế là đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế. Cá chạch dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh, tỷ lệ sống cao và có thể nuôi được trong ao đất, ruộng lúa.
Chạch quế với đặc điểm thịt dai, thơm ngon, xương không cứng như chạch thường nên được các quán ăn, nhà hàng ưa chuộng... Nuôi chạch quế sẽ là hướng đi mới trong phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.
NGỌC PHƯƠNG