Khoảng 10 ngày trước lễ cúng, chủ của ngôi nhà mới tất bật chuẩn bị thực phẩm để làm lễ cúng. Trong lễ cúng, nhà nào nuôi được nhiều trâu thì sẽ mổ một con trâu mộng để thết đãi dân làng. Nhà nào khó khăn hơn thì chỉ cần mổ lợn, gà, rượu cần và bánh nếp ayơh. Bánh nếp ayơh là vật phẩm không thể thiếu trong lễ cúng của người Vân Kiều. Bánh biểu trưng đầy đủ về vũ trụ vạn vật, tượng trưng cho lòng trong trắng của người Vân Kiều kết nối với thế giới thần linh.
Nghi thức vào nhà mới của người Vân Kiều có ba phần: Phần đầu tiên thầy cúng dâng lễ vật dâng cúng là con gà trống với ý nghĩa cảm tạ thần thổ nhưỡng đã chỉ lối cho chủ nhà lựa được đám đất dựng nhà bằng phẳng, tốt hướng. Thầy cảm tạ thần rừng, vị chủ nhân của gỗ lạt đã cung cấp cột thờ ma, rồi cả vật liệu làm nên cửa chính, cửa phụ, trần thượng, trần hạ…
Lượt cúng thứ hai, thầy cúng dâng lễ gồm thịt lợn và rượu cần để cảm tạ tổ tiên và những thế hệ tiền nhân đã khai sinh ra bản làng Vân Kiều. Nghi lễ cúng cuối cùng trong ngày thường diễn ra vào lúc nửa đêm, lúc đất trời chuyển khắc sang ngày mới. Lễ vật trên bàn thờ là thịt trâu và bánh nếp ayơh để mời chung thần trời, thần đất về ngự lễ, chứng giám cho lòng thành của gia chủ, ban cho ngôi nhà mới của gia chủ vững chãi trước sức mạnh của tự nhiên và gia đình luôn yên ấm, hạnh phúc.
Nghi lễ cúng vào nhà mới của người Vân Kiều thường diễn ra trong hai ngày. Trong đêm cúng đầu tiên, hai bên nội ngoại sẽ đến trước để cùng chung vui với vợ chồng gia chủ. Ngày thứ hai mới có đông đủ bà con cùng đến chúc mừng và ở lại uống rượu cần, ăn cỗ cùng gia chủ và chung vui múa hát rộn ràng thâu đêm.
SÔNG LAM