Hộ nghèo cao nhất huyệnCửa Cải là một trong 14 thôn đặc biệt khó khăn của thị trấn Phong Hải. Cả thôn có 43 hộ (100% dân tộc Mông) thì có 42 hộ nghèo; chỉ duy nhất có 1 hộ “được” thoát nghèo chuyển thành cận nghèo là nhà trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ Thào Seo Phù.
Ông Phù cho biết, đời sống bà con trong thôn lâu nay gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng không được đầu tư nhất là đường giao thông. 100% hộ dân làm nông nghiệp nhưng thiếu đất, thiếu nước sản xuất, rồi cái ăn cái mặc của người dân hằng năm chỉ trông chờ vào một vụ lúa hoặc ngô, năm nào thiên tai, hạn hán thì cầm chắc cái đói. Chính vì vậy, trong thôn luôn có khoảng trên 30 người sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống, vài ba tháng mới về thăm nhà một lần.
“Đường vào thôn quá xấu nên hàng hóa cái gì cũng đắt đỏ. Ví như một vụ làm lúa bán được 10 triệu, sau khi thanh toán phân bón, giống, thuốc trừ sâu… chắc chỉ còn được 1 triệu đồng. Năm rồi 6 hộ có nguy cơ đói phải nhận gạo cứu trợ từ Chính phủ. Có gia đình trong thôn trồng được gần héc ta rừng mỡ; nay đến kỳ khai thác nhưng bán chẳng ai mua vì đường xấu xe không vào được, mà vận chuyển thủ công ra ngoài thị trấn thì chắc không đủ trả tiền thuê”, ông Phù tâm sự.
Những khó khăn này không chỉ riêng thôn Cửa Cải mà nhiều thôn của thị trấn Phong Hải đều như vậy. Bà Vũ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải cho biết, đến nay, thị trấn Phong Hải có 2.577 hộ, với hơn 10.500 nhân khẩu, bao gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy nhiên, ở Phong Hải chỉ có 4 tổ dân phố nằm dọc quốc lộ 70 là có đời sống kinh tế-xã hội tương đối phát triển. 1 tổ dân phố và 14 thôn còn lại nằm ở vùng núi cao, vùng sâu thì đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Bỏ phố trở lại quêTheo bà Vũ Thị Hồng Ánh, trước năm 1977, Phong Hải là một xã miền núi. Đến năm 1976, Nhà nước thành lập Nông trường quốc doanh Phong Hải, đa số lao động nông nghiệp được tuyển vào làm công nhân cho nông trường. Diện tích đất của người dân khai hoang cũng được góp vào thành đất chung của nông trường. Đến ngày 23/2/1977, theo Quyết định số 611-VP18 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì xã Phong Hải được chuyển tên thành thị trấn Nông trường Phong Hải.
Nông trường quốc doanh Phong Hải sau này chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV chè Phong Hải. Tuy nhiên, do làm ăn kém hiệu quả, người trồng chè chán nản, bỏ cả vùng nguyên liệu. Vùng chè của Phong Hải nay thu lại còn trên 100ha. Năm 2017, tỉnh Lào Cai đã quyết định cổ phần hóa và đổi chủ đơn vị này.
Được biết, năm 2014, theo điều tra và chấm điểm tiêu chí đô thị loại 5, thì Phong Hải chỉ đạt 23,9/100 điểm. Còn theo điều tra về tiêu chí hộ nghèo, hiện Phong Hải đang đứng đầu huyện Bảo Thắng với trên 40% hộ nghèo và cận nghèo. Tiêu chí duy nhất mà Phong Hải đạt đô thị loại 5 đó là, có số dân từ 4000 người trở lên.
Trước những khó khăn này, Phong Hải đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên huyện Bảo Thắng cũng như tỉnh Lào Cai xin trở về tên vốn có là “xã Phong Hải”; lần gần đây nhất là ngày 3/11/2017. “Tuy nhiên, lãnh đạo huyện, tỉnh đều trả lời sẽ có cơ chế riêng cho thị trấn Phong Hải phát triển chứ ai lại đang là thị trấn trở thành xã thì đi xuống quá, xưa nay chưa có tiền lệ”, bà Ánh thông tin.
Tuy nhiên trên thực tế, cả nước có 60 thị trấn nông trường, thì đến nay đã có 51 thị trấn chuyển đổi thành xã. Chỉ còn 9 thị trấn nông trường trong đó có Phong Hải. Như vậy, không thể nói là chưa có tiền lệ được. Lãnh đạo thị trấn, người dân nơi đây đang mong mỏi chờ các cấp, các ngành địa phương quan tâm xem xét, sớm có cơ chế đưa Phong Hải trở về thành xã Phong Hải để giúp Phong Hải có cơ hội vươn lên.
TRỌNG BẢO