Gia đình chị H’Tlun Mlô, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, trồng 2 sào nghệ, nếu như nghệ vẫn giữ giá cao như các năm trước, tính ra chị có thể thu lãi hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất và nhân công. Tuy nhiên, dự tính không như mong muốn, giá nghệ năm nay đột ngột giảm xuống, chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg, trừ tiền đầu tư, nhân công chị lỗ nặng cả chục triệu đồng. Vậy nhưng chị vẫn phải chấp nhận thuê nhân công thu hoạch để giải phóng đất, kịp gieo trồng niên vụ mới cho kịp thời vụ.
Cùng xã, gia đình chị H’Djuang Mlô, còn thê thảm hơn. Chị H’Djuang kể: gia đình chị có 2 sào đất, trước đây trồng cà phê, nhưng khi hồ tiêu lên giá, chị đã phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu. Năm 2017, vườn tiêu bỗng nhiên đổ bệnh chết hàng loạt, gia đình chị phải phá tiêu, thấy nghệ có giá chị chuyển hướng trồng nghệ. Tuy nhiên, nghệ cũng chẳng mang lại thu nhập khá hơn cho gia đình, bởi giá đột ngột xuống thấp, thu hoạch không đủ chi phí sản xuất, kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn.
Xã Cư Huê là địa phương có diện tích nghệ lớn nhất huyện Ea Kar. Cây nghệ đã từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Nhưng nay, vì nghệ mà nhiều gia đình rơi cảnh túng thiếu. Ông Trần Văn Non, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Huê cho biết: Năm 2017, toàn xã có 900ha nghệ, giá nghệ thấp, nhân công thu hoạch cao, mà diện tích nghệ quá lớn khiến nhiều nông dân chán nản bỏ nghệ ngoài đồng. Chính vì vậy, nhiều hộ lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Niên vụ 2018, gia đình bà Phạm Thị Thắm, thôn Đoàn Kết, trồng 2ha nghệ. Như mọi năm, giá nghệ cao bà thu lãi hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay trừ hết chi phí giống, phân bón thì gia đình bà cũng chỉ được 20-30 triệu đồng, thu nhập quá thấp cho cả một năm lao động.
Theo ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar sở dĩ giá nghệ giảm mạnh là do từ năm 2015-2017, giá nghệ tăng cao, canh tác cây nghệ đơn giản, chi phí đầu tư thấp, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha, nông dân có thể thu lãi gần 100 triệu đồng/ha. Do đó, người dân trên địa bàn huyện Ea Kar đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng nghệ, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu vào năm 2018, đẩy giá nghệ xuống thấp nhất từ trước tới nay.
“Theo quy hoạch của huyện Ea Kar, năm 2017, diện tích cây nghệ của địa phương dao động từ 500-600ha, nhưng hiện nay diện tích nghệ tại huyện Ea Kar đã tăng lên 1.680ha, bất chấp quy hoạch của địa phương”, ông Cư cho hay.
Được biết tỉnh Đăk Lăk có hơn 5.000ha diện tích nghệ, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk, M’Đrắk, Krông Năng. Đa số diện tích nghệ tại tỉnh Đăk Lăk đều do nông dân trồng tự phát khi giá nghệ của các năm trước tăng cao. Ngoài ra, do người dân thiếu thông tin về thị trường, nên khi sản xuất với diện tích và sản lượng lớn tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá thành.
Theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng luôn có khuyến cáo người dân, đối với cây trồng nói chung và cây nghệ nói riêng, người dân cần nắm bắt thông tin thị trường và chỉ mở rộng diện tích khi ký kết được hợp đồng đảm bảo bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Tránh việc trồng tự phát làm tăng đột biến diện tích cây trồng sẽ dẫn đến thị trường không ổn định, đầu ra khó khăn và gây thiệt hại đến người sản xuất. Tuy nhiên tình trạng này vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi.
LÊ LIÊN - LÊ HƯỜNG