Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú: Một đời vì những bài Then

PV - 14:56, 14/05/2019

Ở tuổi 81, Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú, dân tộc Tày, sống tại thôn Chang Nà, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vẫn không quản ngại khó khăn, tích cực tìm tòi, sáng tác truyền dạy các bài hát Then của dân tộc mình cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú dạy hát Then miễn phí cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Lương Thiêm Phú dạy hát Then miễn phí cho thế hệ trẻ.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Chang Nà, ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú đã thường xuyên được nghe những lời hát ru của bà, mẹ. Cứ như vậy, những câu hát Then và tiếng đàn Tính theo ông lớn dần, thấm sâu vào tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn ông. Ông Phú kể: “Hồi còn bé, tôi thường theo người lớn đi xem và nghe biểu diễn hát Then, cứ mỗi lần như vậy tôi thường nhẩm hát theo, lâu dần tôi cũng thuộc và biết hát. Thấy tôi thích hát Then những thế hệ đi trước cũng chỉ cho cách luyến láy, ngân giọng và dạy tôi nhiều bài hát mới. Đến năm 20 tuổi, tôi bắt đầu tập sáng tác các bài hát Then mới”.

Theo nghệ nhân Phú, giai đoạn năm 1976-1999, đời sống kinh tế khó khăn cộng thêm nhiều yếu tố nên rất ít người hát Then, ông tưởng như khó có thể giữ được. Bởi hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một, vì thế ông luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.

Tháng 12 năm 2007, ông Phú đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Then Tình Húc, đồng thời giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ với 18 thành viên. Đây là nơi thu hút những người cùng sở thích, cùng đam mê làn điệu hát Then. Câu lạc bộ được tổ chức sinh hoạt thường kỳ hằng tuần, hằng tháng, phần lớn thời gian rảnh ông lại đến từng thôn, bản để dạy cho thế hệ trẻ. Từ khi biết hát và sáng tác các bài hát Then đến nay, ông Phú đã sưu tầm được 6 bài Then cổ, sáng tác được hơn trăm bài hát Then mới, mở được 16 lớp dạy hát Then, đàn Tính cho 360 người đủ các lứa tuổi tại các địa phương.

Nghệ nhân cho hay, hát Then vừa khó lại cũng vừa dễ. Để có thể hát đúng điệu Then cần khá nhiều thời gian và sự luyện tập. Ở thôn Chàng Na cứ vào dịp hè là tiếng hát từ lớp học miễn phí của người nghệ nhân già lại vang khắp núi rừng. Đến nay, đã có nhiều lớp trẻ có thể đệm đàn và hát thuần thục một số bài hát, còn có học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi giai điệu quê hương do Trường THPT tổ chức. Em Hoàng Trần Bảo Uyên, thôn Chang Nà, xã Tình Húc chia sẻ: “Nhờ được già Phú tận tình chỉ dạy, đến nay em đã có thể hát thành thạo 3 bài Then, đệm được đàn Tính, còn được đứng trong đội văn nghệ để đi giao lưu giữa các thôn, bản, thi văn nghệ với các huyện, tỉnh khác”.

Với niềm đam mê và cống hiến của mình trong việc bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, Nghệ nhân Lương Thiêm Phú đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 24/4/2019. Tự hào chỉ vào tấm bằng khen, người nghệ nhân già nở nụ cười hãnh diện vì công sức hơn 50 năm lưu giữ, sưu tầm, sáng tác những điệu hát dân tộc. Giờ đây, điệu hát Then còn được đưa vào phục vụ khách du lịch khi đến với Bình Liêu, vừa góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, đồng thời phát triển du lịch, nâng cao đời sống văn hóa người dân vùng cao.

NGHĨA HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.