Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái xứ Thanh

PV - 09:56, 18/06/2018

Trước kia, dệt thổ cẩm hay thêu thùa đều là công việc mà mọi cô gái Thái ở Thanh Hóa cần phải biết khi đến tuổi trưởng thành, bởi đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của một người con gái.

Thổ cẩm là một trong những sản phẩm đặc sắc trong văn hóa của người Thái. Tại Thanh Hóa, người Thái sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi như: Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, Như Xuân, Thường Xuân…

Phụ nữ Thái giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Phụ nữ Thái giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

 

Bà Vi Thị Lèo (80 tuổi) chia sẻ, trước kia, trong quan niệm truyền thống của người Thái: “Gái biết dệt vải, trai biết đan chài”. Từ khi mới chỉ là những cô bé 8-9 tuổi, các bà, các mẹ đã dạy cho con gái học cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm… và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Từ những bàn tay khéo léo ấy đã làm ra mọi vật dụng trong gia đình như váy, khăn của các thành viên, chăn, màn, gối, đệm… đều được may bằng vải thổ cẩm.

“Công việc này có nhiều công đoạn phức tạp, phải những ai khéo léo, cần mẫn và kiên trì thì mới làm được. Thời các bà, người con gái nào không biết dệt vải, thêu thùa là bị chê cười, khó lấy chồng. Nhưng thanh niên thời nay thì khác rồi, không mấy ai còn thích mặc váy người Thái nữa”, bà Lèo nói.

Trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đang dần phai nhạt và mai một. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái cũng chỉ còn lưu giữ được ở một vài nơi.

Bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là địa bàn cư trú của người Thái đen. Có dịp đến đây, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang cặm cụi bên khung cửi dệt vải. Họ không chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình, mà các sản phẩm thủ công này sẽ trở thành hàng hóa được bán sang tỉnh lân cận của nước bạn Lào. Nghề dệt thổ cẩm ở đây đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người phụ nữ nghèo miền sơn cước này.

Chị Hà Thị Ngợi (26 tuổi, bản Chai, xã Mường Chanh) cho biết, cả bản của chị hầu như người phụ nữ nào cũng biết dệt thổ cẩm. Từ nhỏ, nhìn thấy các bà, các mẹ làm việc, chị tự học được cách dệt vải, thêu thùa, may má. Từ đó đến nay, cứ khi nào không phải đi nương rẫy, chị lại ngồi vào khung cửi. Với chị, nó không chỉ là công việc, mà còn là niềm say mê.

“Mình chỉ tranh thủ dệt vào những lúc rảnh rỗi, ban đêm hoặc là giữa trưa, lúc ấy không lên nương rẫy thì mình ngồi dệt. Cứ khoảng 3 ngày mình dệt xong một cái váy thổ cẩm và đến khi làm được tầm 12-15 cái váy thì mẹ mình sẽ đem đi bán. Mỗi chiếc váy như vậy bán giá là 400.000 đồng, một chuyến như vậy được khoảng 6-7 triệu đồng”, chị Ngợi nói.

Công việc dệt vải này mặc dù không được chuyên nghiệp nhưng đã giúp nhiều phụ nữ trong bản có nguồn thu nhập đáng kể, giúp họ trang trải cuộc sống gia đình.

Ngày nay, dù những phụ nữ trẻ thích mặc trang phục hiện đại hơn bởi tính thông dụng của nó. Tuy nhiên, những trang phục thổ cẩm truyền thống vẫn được coi như linh hồn của văn hóa dân tộc mình. Trong mọi dịp quan trọng của người Thái, những bộ trang phục và những món đồ thổ cẩm truyền thống lại được dịp xuất hiện. Thổ cẩm còn được dùng làm của hồi môn cho các cô gái đi lấy chồng, là quà mừng cô dâu mới, hay để tiễn đưa một người đã khuất…

Sản phẩm thổ cẩm của người Thái không chỉ phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào, mà còn mang cả linh hồn văn hóa truyền thống của người Thái, được làm nên từ sự sáng tạo và khéo léo của những người phụ nữ.

LƯƠNG DIỄN

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.