4 nhà đầu tư khảo sát, vẫn chưa xong một đài hoả táng
Dự án xây dựng đài hoá thân ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được phê duyệt vào năm 2008. Theo đó, dự án này bao gồm cả đài hoá thân và nghĩa trang vĩnh hằng, phục vụ nhu cầu của người dân ở thành phố Vinh và các huyện phụ cận. Đã có 3 nhà đầu tư về tìm hiểu, khảo sát dự án này nhưng rồi tất thảy đều…ra đi. Trong lúc đó, nhiều người dân mong muốn, sau khi qua đời được người thân hoả táng “cho sạch sẽ”. Có những gia đình ở các huyện xa, đã chấp nhận vượt hàng trăm km, hoặc ra Thanh Hoá, hoặc vào Hà Tĩnh để thực hiện di nguyện hoả thiêu của người quá cố.
Trước nhu cầu rất lớn của người dân, năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho một doanh nghiệp ở Thanh Hoá thực hiện dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng và đài hoá thân tại địa chỉ nói trên, với diện tích 85 ha và tổng đầu tư là gần 500 tỷ đồng. Sau khi bà con phản đối việc hung táng, dự án này đã được điều chỉnh xuống còn hơn 78 ha, gồm các khu tâm linh, hỏa táng, an táng lần 1, cát táng, hành chính và dịch vụ chung, khu xử lý kỹ thuật, khu cây xanh. Cùng với đó, năm 2019, dự án đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, do một số người dân địa phương không đồng thuận nên dự án vẫn còn…dang dở.
Chủ đầu tư của dự án này từng nói với tôi: Do Nghệ An chưa thể xây dựng nên chúng tôi đã chuyển các thiết bị vào xây dựng đài hoả táng ở Hà Tĩnh. Đó là chưa kể câu chuyện đau lòng sau đây: Khi còn đỉnh cao của dịch Covid – 19, một số bệnh nhân qua đời đã bị từ chối hoả thiêu ở các đài hoá thân Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Bấy giờ, dư luận ở Nghệ An sục sôi, đòi hỏi xây lò hoả táng có thể coi là vấn đề nóng. Còn nhớ, ngày 6/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt phải sớm hoàn thành xây dựng đài hoả táng.
Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh là thế, nhưng dự án đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân, là do một số hộ dân ở xóm Phúc Điền phản đối dự án, thậm chí họ còn dựng lán trại chặn đương vào khu vực xây dựng để cản trở thi công. Theo người dân, khoảng cách giữa nhà dân đến nghĩa trang không đạt tiêu chuẩn theo quy định, do đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn nước…Tỉnh Nghệ An và huyện Hưng Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để vận động Nhân dân đồng thuận, nhưng vẫn không có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Hưng Tây, cho biết: Theo báo cáo của chủ đầu tư và theo phê duyệt báo cáo tác động môi trường, thì dự án này đảm bảo tốt về các tiêu chí. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa đồng thuận, hiện xã vẫn đang kiên trì giải thích, vận động để bà con hiểu và ủng hộ để dự án sớm được thi công.
Cửa nhà chen lấn bãi tha ma
Thành phố Vinh (Nghệ An), được coi là đô thị có nhiều nghĩa trang trong khu dân cư. Mặc dù theo quy định của bộ Xây dựng, thì khoảng cách giữa tường nhà dân đến nghĩa trang hung táng phải là 1.500 mét. Tuy nhiên, tại thành phố này, nhiều nghĩa trang chôn người mới chết theo hình thức hung táng lại có khoảng cách với nhà dân bằng… 0 mét.
Ở xã Hưng Lộc – TP. Vinh, khu nghĩa trang ngay sau trụ sở xã, nằm sát bên cạnh nhà dân, trong đó có nhiều ngôi mộ vừa mới chôn xong, vòng hoa tang còn chưa kịp héo. Hàng trăm hộ dân ở xung quanh nghĩa trang này rất khổ sở vì ô nhiễm, ám ảnh. Một phụ nữ có nhà ở sát nghĩa trang, nói trong lo lắng: “Tôi mới sinh con nhỏ, cả ngày phải đóng kín cửa vì sợ hơi hám bay vào ảnh hưởng đến cháu”.
Cũng tại xã Hưng Lộc, một nghĩa trang nữa nằm cạnh đường Hải Thượng Lãn Ông và cạnh một khu dân cư, vẫn đang được chôn cất theo hình thức hung táng. Dù đã được chủ đầu tư dự án khu dân cư sát đó xây một bức tường dài che chắn khu nghĩa trang, nhưng nó cũng chỉ “giải quyết” được về khâu mỹ quan, còn ô nhiễm môi trường thì vẫn là mối nguy lớn. Một cư dân ở đây bức xúc: Khi mua đất, chúng tôi được hứa, việc chôn cất sẽ dừng và nghĩa trang sẽ được di dời. Thế nhưng hơn mười năm rồi, mồ mả không những không được cất bốc mà còn được chôn mới”.
Không chỉ ở xã Hưng Lộc mà nhiều địa phương khác của thành phố Vinh như Hưng Dũng, Vinh Tân, Hưng Đông…tình trạng nghĩa trang sát cạnh nhà dân vẫn còn nhiều.
Trong lúc đó, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, thừa nhận: Toàn xã có 12 nghĩa trang, trong đó phần lớn là nằm sát khu dân cư, không đủ tiêu chuẩn chôn cất. Dân cũng kêu nhiều lắm, nhưng xã cũng đang bất lực, vì nếu cấm thì người qua đời biết chôn ở đâu. Chúng tôi rất mong mỏi Dự án đài hoả táng được xây dựng sớm để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị”.