Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” có sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 21 dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước.
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, vui nhộn đã được tổ chức tại Ngày hội như Lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông Hà Giang, Lễ cưới của dân tộc Bố Y, các trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc. Đan xen là hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thực hiện.
Phát biểu Khai mạc Ngày hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tới toàn thể đồng bào những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới. Chủ tịch nước khẳng định, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào ta trên mọi miền đất nước cũng như ở xa Tổ quốc đều một lòng hướng về nguồn cội, về đất nước, về dân tộc, về gia đình. Đây là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội truyền thống tốt đẹp, đầy ý nghĩa. Đồng bào các dân tộc trên cả nước cũng có những hoạt động lễ hội đặc sắc khai Xuân, cầu mùa, gửi gắm ước mơ, hy vọng vào những mùa vàng bội thu.
Những lễ hội Xuân đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc.
Chủ tịch nước đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc hoạt động tại Làng đã có nhiều nỗ lực góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa, khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước đưa Làng trở thành điểm đến du lịch.
Đặc biệt, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” qua các năm tổ chức đã đón hàng chục nghìn lượt đồng bào các dân tộc tham gia hơn 50 lễ hội, hoạt động. Đây là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Chủ tịch nước mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh để sắc Xuân, khí Xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Trong không khí ngày Hội văn hóa đặc sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh cồng khai hội, tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham dự ngày Hội. Chủ tịch nước và các đại biểu đã trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc Mường.
Tại Làng dân tộc Mông, Chủ tịch nước thực hiện nghi thức dựng cây nêu, mở Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. Đây là lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Mông, thường diễn ra vào dịp đầu Xuân. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho con cái, sức khỏe và làm ăn thuận lợi.
NGỌC ÁNH ( thực hiện )